Hình ảnh “bậc chân tu” đã xô ngã cả Giáo hội Phật Giáo Việt Nam

Ngày 24/5, BBC Tiếng Việt có bài: “Từ hiện tượng sư Thích Minh Tuệ: Thế nào mới là tu?”

BBC mô tả hình ảnh sư Thích Minh Tuệ chân đất, trên người khoác một bộ y phục làm từ các mảnh vải vụn chắp vá, tay cắp lõi một chiếc nồi cơm điện, lang thang trên các nẻo đường để “tu học”, khiến nhiều người xúc động, gọi ông là “bậc chân tu”.

Về sư Thích Minh Tuệ, sư Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhận định với BBC, “đây là một trường hợp hiếm có”.

“Trong lịch sử, kể từ thời Đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước đến nay, tôi nghĩ, cũng có nhiều vị đã từng thực hành những hạnh như thế.”

BBC cho biết, trong các video trên mạng xã hội, sư Minh Tuệ luôn xuất hiện với nụ cười hiền lành, và dáng vẻ, cách nói chuyện khiêm nhường.

Ông nói, ông không phải là sư, không tu ở bất cứ chùa nào, ông đi bộ để rèn luyện sức khỏe và làm theo lời Phật dạy.

BBC tường thuật lời ông Thích Minh Tuệ nói trong một video do người dân ghi lại, đăng trên TikTok:

“Con là người Việt Nam đi tập học theo lời Phật dạy, không nhận tiền bạc của ai dưới bất kỳ hình thức nào, họ cho ngày một bữa vào buổi sớm rồi thì con không nhận nữa.”

“Con không phải là sư hay thầy gì cả, không thuộc giáo hội gì, không Nam tông hay Bắc tông.”

Tuy nhiên, BBC tiếp tục cho biết, sự cuốn hút của sư Thích Minh Tuệ, đã khiến các hội đoàn Phật giáo do nhà nước quản lý lên tiếng.

Ngày 16/5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gửi công văn đến ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh, thành phố. Đồng thời, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã ra thông báo, với nội dung tương tự, khẳng định: “Ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”

Đây là 2 phản ứng chính thức, một của Giáo hội Phật giáo do nhà nước quản lý, và một của cơ quan nhà nước phụ trách tôn giáo, về trường hợp nhà sư Thích Minh Tuệ.

BBC cho hay, công văn của Thượng tọa Thích Đức Thiện đã vấp phải sự phê phán của nhiều người. Một trong số những câu hỏi được đặt ra là: Liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền và có tư cách để công nhận một ai đó là tu sĩ Phật giáo hay không?

Theo BBC, sau năm 1975, Chính phủ Việt Nam đã cho thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam – là tổ chức Phật giáo duy nhất được coi là đại diện hợp pháp cho Phật giáo tại Việt Nam, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức này hiện có gần 5 triệu thành viên Phật tử, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ. Nhiều nhà sư thuộc tổ chức này có “chân” trong chính quyền Việt Nam, là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

BBC cũng cho hay, báo chí cũng nhiều lần đưa tin các nhà sư được kết nạp vào Đảng, tích cực trong hoạt động tuyên truyền đường lối của Đảng, chẳng hạn trường hợp Hòa thượng Thạch Huôn, 64 tuổi, vào năm 2009. Hòa thượng Thích Thanh Sam khi viên tịch vào năm 2018, được phát hiện chứng nhận có “50 năm tuổi Đảng”.

Bên cạnh đó, BBC cho biết thêm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm qua, đã phát triển mạnh về hình thức và quy mô. Chùa chiền đồ sộ được xây dựng tại nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Phật giáo Việt Nam đang khủng hoảng, thậm chí suy thoái.

Theo BBC tìm hiểu, song song với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vẫn tồn tại các tổ chức tôn giáo độc lập khác, bất chấp việc không được Chính phủ Việt Nam thừa nhận.

Theo sư Thích Đồng Long, tổ chức của ông – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập từ năm 1964, nhưng không được nhà nước Việt Nam công nhận – thường gặp rất nhiều rắc rối với chính quyền.

Ông nói: “Thực ra thì chính sách tôn giáo của Việt Nam rất là khắt khe và độc tài.”

“Họ cũng vận động, tuyên truyền, lôi kéo để mong sao các chùa có thể đăng ký gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để họ quốc doanh hóa Phật giáo.”

Vẫn theo sư Thích Đồng Long, sư Minh Tuệ chỉ đang tự tu học, chứ hoàn toàn không xâm phạm đến những lợi ích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tự đề cao mình, không tư lợi gì.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam không biết vì những cái lý do gì mà lại có công văn như vậy” – sư Thích Đồng Long nói.

 

Minh Vũ – Thoibao.de