Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa “tắc tử”, và nhà nước công an trị lên ngôi

Ngày 10/6, blog Hoàng Trường trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Nhìn lại những xáo trộn trên thượng tầng Ba Đình: Việt Nam sẽ đi về đâu?”

Tác giả cho biết, hôm 6/6, khi Quốc hội bấm nút chấp thuận Tướng Quang vào ghế Bộ trưởng Công an, cũng là lúc Tô Lâm cho CO3 ra tuyên bố: chấm dứt điều tra giai đoạn 2, vụ án hình sự Vạn Thịnh Phát. Vậy là, Lê Minh Hưng, tân Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có khả năng sẽ thoát nạn.

Tác giả bình luận, ngay khi người của Tô Lâm “ấm ghế” ở Trung ương, để hy vọng vào Bộ Chính trị nay mai, thì lập tức, Lê Minh Hưng “gần như khỏi lo” bị điều tra ngược.

Theo tác giả, Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc đã không gom đủ phiếu tại Hội nghị Trung ương 9. Tô Đại tướng đành quyền biến, “lùi một bước tiến hai bước” khá ngoạn mục. Ngày 3/6, Nguyễn Duy Ngọc nhận ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang vào ghế Bộ trưởng Công an.

Tác giả nhận xét, cuộc ngã giá của tân Chủ tịch nước đã buộc Trung ương và Bộ Chính trị phải chấp thuận cho các thủ túc của ông “gác cửa” ở Trung ương Đảng và thay ông “trông coi” Bộ Công an. Đối với tân Chủ tịch nước, đây là thành công bước đầu ngoạn mục, mặc dầu, để cài tiếp 2 “đệ tử của mình” leo tiếp trên các nấc thang quyền lực, vẫn còn là một tương lai bất định. Bởi việc bố trí cho 2 đệ tử này, ngay từ đầu, là các điều kiện tiên quyết để Tô Lâm chấp nhận rời Bộ Công an, sang ngồi vào ghế Chủ tịch nước.

Tác giả dẫn đánh giá của giới bình luận quốc tế, rằng, đây thực chất là một cuộc chính biến hoàn hảo. Tô Đại tướng đã hành động “tréo ngoe” so với Hiến pháp, cũng như Đảng chế xưa nay.

Nhưng với “tả phù hữu bật”, với “thế chẻ tre” trên bàn cờ chính trị Ba Đình, Tô Lâm đã “xây thành đắp lũy” thành công.

Tác giả tiếp tục dẫn câu hỏi mà giới quan sát chính trị Hà Nội đặt ra: Nếu một khi có “cái chết trên chấm phạt đền”, Tô Lâm có đủ quyền bính để gộp Chủ tịch nước với Tổng Bí thư làm một?

Tác giả dẫn bài viết của nhà báo Huy Đức, trước khi bị bắt, mô tả về cái chết của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa. Huy Đức có ý đổ trách nhiệm cho Tổng Trọng, trong việc lấn át bộ máy quản trị bên Chính phủ, chỉ tập trung “gia cố” hệ thống các ban bên Đảng.

Thật ra, cuộc tranh giành lúc ngấm ngầm, lúc công khai, giữa “cung Vua” [Tổng Bí thư] và “phủ Chúa” [Thủ tướng] ở Ba Đình, có lẽ, là một trong những chương đen tối của lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác giả cho biết thêm, trong một nghiên cứu được trao giải quốc tế từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, các học giả về Việt Nam đã tiên đoán về sự “tắc tử” của hệ thống pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, và sự lên ngôi của chế độ độc tài công an trị.

Theo đó, có một số kịch bản phát triển khả dĩ cho Hà Nội, như sau:

Thứ nhất, Đảng tiếp tục theo con đường hiện tại, từ chối thực hiện các cải cách chính trị và quản trị triệt để hơn, tránh xa thực hành đa nguyên chính trị. Trong trường hợp này, tham nhũng có thể sẽ trở nên lan tràn và gây tổn hại nghiêm trọng hơn, các phe phái cùng các nhóm lợi ích sẽ gây thêm nhiều tổn hại hơn nữa. Một sự phát triển như vậy sẽ dẫn đến sự mất hoàn toàn tính hợp pháp của Đảng Cộng sản.

Thứ hai, Đảng bám giữ chế độ “đảng trị” duy nhất, bằng mọi giá và chỉ thực hiện các cải cách phi chính trị. Trong tình huống ấy, thời gian trước khi mất tính hợp pháp có thể kéo dài và Việt Nam sẽ trở thành một loại hình nhà nước cảnh sát toàn trị.

Thứ ba, Việt Nam tiến tới đa nguyên chính trị mà không có bất kỳ cải cách toàn diện nào. trong trường hợp ấy, sự phát triển của Việt Nam sẽ càng khó dự đoán hơn và sẽ gặp nhiều hỗn loạn và bất định phía trước.

 

Xuân Hưng – thoibao.de