Người Việt “ăn nhựa” qua đường hải sản

Ngày 12/6, BBC cho hay “Người Việt Nam trong nhóm “ăn nhựa” nhiều nhất thế giới”.

BBC cho biết, các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) chỉ ra, con người hấp thụ vi nhựa qua hai đường chính: thực phẩm và không khí.

Các nước Đông Nam Á dẫn đầu bảng xếp hạng trong nghiên cứu, tính theo bình quân đầu người, với các trường hợp điển hình là Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Người dân Việt Nam xếp thứ 4 trong chỉ số tiêu thụ nhiều vi nhựa nhất qua đường thực phẩm, trung bình mỗi người Việt Nam “ăn” 363,6 mg vi nhựa mỗi ngày.

Theo BBC, nghiên cứu tiến hành khảo sát 109 quốc gia, lấy dữ liệu từ năm 1990 – 2018, được hoàn thiện và xuất bản vào tháng 4/2024.

Vi nhựa, theo định nghĩa của các nhà khoa học của Đại học Cornell, là những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Chúng có thể là những sợi, mảnh, hạt vụn, đến từ các sản phẩm nhựa bị vỡ, bong tróc, hư hỏng.

Quá trình sản xuất, xử lý nhựa không đúng cách cũng khiến vi nhựa tràn ra ngoài môi trường.

BBC cũng cho hay, một số nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ giữa vi nhựa và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của con người. Chúng chứa những hóa chất độc hại có thể gây ung thư, bệnh tim hoặc khiến thai nhi kém phát triển.

Các nghiên cứu chỉ ra, quá trình công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển, là nguyên nhân chính dẫn đến việc tốc độ sử dụng nhựa tăng mạnh. Hoạt động xả thải nhựa ra môi trường tự nhiên từ đó cũng tăng theo.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển lại chứng kiến chiều hướng ngược lại.

Vi nhựa trong không khí ghi nhận tại Việt Nam, cao gấp 8 lần so với tại Nhật Bản.

BBC cũng cho biết, Việt Nam có những làng nghề chuyên thu gom, xử lý phế liệu, rác thải nhựa, đơn cử như làng Minh Khai tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, việc xử lý rác thải nhựa ở các làng nghề như vậy có nhiều rủi ro, do sử dụng máy móc lạc hậu, khiến cho phần nhựa không thể tái chế bị vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Nước trong quá trình xử lý nhựa mang các vi nhựa theo dòng chảy đi ra sông, biển.

Các hạt vi nhựa khi đi ra môi trường nước, sẽ bị các sinh vật phù du ăn phải. Sau đó, các loài cá, động vật thủy sinh ăn các sinh vật phù du, và con người khi tiêu thụ những thủy hải sản này sẽ vô tình hấp thụ luôn cả vi nhựa.

Nghiên cứu từ Đại học Cornell cho biết, hơn 50% lượng vi nhựa người dân Việt Nam “ăn” phải, đến từ môi trường nước, đặc biệt là hải sản.

BBC dẫn giải pháp mà các nhà khoa học ở Đại học Cornell đề xuất, đó là, cần có các biện pháp kiểm soát dòng chảy của chất thải hiệu quả cũng như cải thiện hệ thống xử lý nước thải.

Giải pháp này càng đặc biệt quan trọng, khi người dân hấp thụ vi nhựa chủ yếu qua đường hải sản.

Vẫn theo BBC, các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell cho rằng, về lâu dài, các nước phát triển nên chia sẻ công nghệ cho những nước đang chịu tác hại nặng nề của nhựa.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, rác thải, phế liệu, nên được đưa đến những quốc gia có công nghệ xử lý tiên tiến, và khả năng quản lý hiệu quả thải.

BBC dẫn báo cáo trong tháng 4/2024 của Liên Hợp Quốc, cho thấy, Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu của rác thải trên thế giới, tình trạng rác ở Việt Nam đã quá tải, không thể nào xử lý hết.

BBC dẫn nhận định của bà Coleen Salamat, chuyên viên về thương mại chất thải khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Break Free From Plastic, cho rằng:

“Tôi nghĩ điều quan trọng nằm ở những nhà cầm quyền. Các nước phát triển thường nhắm đến các nước đang phát triển mà có chính sách, quy chế lỏng lẻo để xuất khẩu rác tới đó.”
Nhận định này ngược với quan điểm mà nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên tuyên truyền, đó là, ô nhiễm là do “ý thức người dân”.

 

Minh Vũ – thoibao.de