Dí Tô Chủ tịch “vào chuồng” – nhiệm vụ bất khả thi!

Mỗi năm có 2 hội nghị Trung ương, vốn để tổng kết việc triển khai các chính sách vĩ mô do Đại hội Đảng đã ra thành nghị quyết. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc xem xét tiến trình thực hiện các nghị quyết, đã không còn là vấn đề chính của các hội nghị Trung ương nữa. Vấn đề chính lúc này, là câu chuyện chia chác quyền lực sau khi đấu đá.

Ở các nhiệm kỳ trước, việc đánh nhau tranh giành chức vụ vẫn diễn ra, nhưng không khốc liệt như nhiệm kỳ này. Cho tới nay, đã có đến 7 uỷ viên Bộ Chính trị bị rụng, đấy là chưa kể còn rất nhiều uỷ viên Trung ương Đảng.

Hội nghị Trung ương 9 đã chọn 2 nhân sự, bổ sung cho “Tứ trụ”, đồng thời cũng bầu bổ sung 4 uỷ viên mới cho Bộ Chính trị. Tuy nhiên, khi Bộ Chính trị vẫn chưa được lấp đầy, vẫn còn 2 chỗ trống, thì cung đình lại tiếp tục kịch chiến. Thêm một Ủy viên Bộ Chính trị nữa lại rụng. Tần suất uỷ viên Bộ Chính trị bị đánh gục, đang ngày một dày đặc hơn.

Ban đầu, ông Trọng lập ra “cái lò” đốt “củi” tham nhũng, và ông kiểm soát được “lò” này trong nhiều năm, cho đến khi Tô Lâm tạo phản. Có lẽ, ông Trọng không lường được tình huống “lò” cháy mất kiểm soát như ngày hôm nay.

Ở Hội nghị Trung ương 9 vừa rồi, ông Trọng đưa Tướng Quân đội Lương Cường vào ghế Thường trực Ban Bí thư, ắt hẳn, ông không chỉ kỳ vọng Lương Cường phòng thủ tốt cho Ban Bí thư, mà ông còn hy vọng Tướng Cường có thể kiềm chế được Tô Lâm.

Tướng Cường cũng khá sốt sắng, sau khi nhậm chức Thường trực Ban Bí thư không lâu, ông đã bắt tay vào công việc. Ngày 6/6, ông Cường thay mặt Bộ Chính trị, ký quyết định số 165-QĐ/TW, ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật, đối với tổ chức Đảng, đảng viên, thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Việc ký Quyết định 165 này có ý nghĩa, Bộ Chính trị đang uỷ thác cho ông Lương Cường, để “lùa” Tướng Công an Tô Lâm vào khuôn khổ. Nếu không ép được ông Tô Lâm vào khuôn khổ, thì thời gian tới, không biết bao nhiêu uỷ viên Trung ương Đảng và uỷ viên Bộ Chính trị nữa sẽ rơi rụng. Để mặc cho Tô Lâm tự tung tự tác, thì cả Bộ Chính trị sẽ ăn không ngon, ngủ không yên.

Luật bằng văn bản đã ban hành, nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu ông Tô Lâm có tuân thủ hay không? Liệu Tô Lâm có viện những lý do nào đấy, hay sử dụng những mánh khóe, thủ đoạn nào đấy, để tự ý tiếp tục bắt bớ, mà không thèm tuân theo quy trình hay không?

Việc ông Lương Cường đang làm, cũng là những điều mà Tổng Trọng đã triển khai. Không ai muốn ông Tô Lâm bị ép vào khuôn khổ, bằng ông Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng có thể, với tham vọng đã thể hiện công khai, việc tạo áp lực sẽ phản tác dụng, Tô Lâm bị ép sẽ làm liều, phế truất luôn ông Tổng để đoạt ngôi. Còn với bản chất tham quyền cố vị, muốn bám ghế đến chết, ông Trọng cố vùng vẫy để ngăn cản Tô Lâm bằng mọi cách.

Thế và lực của ông Trọng bây giờ đã không còn như lúc trước, để có thể ép đối thủ phải chơi theo luật, hoặc theo ý muốn của ông, đặc biệt là với Tô Lâm. Điều đáng nói là, ông Trọng cũng từng đạp lên Đảng luật, để cho phép bản thân được ưu tiên, thì bây giờ, ông làm sao buộc được Tô Lâm phải hành xử theo luật?

Ban đầu, ông Trọng lập ra “cái lò” và hô hào “chống tham nhũng không có vùng cấm”, để tự ban cho mình cái quyền muốn đánh ai thì đánh. Ông buộc mọi thành phần bên dưới phải vào cái khuôn khổ do ông đặt ra. Ông tưởng rằng, đấy là cách buộc tất cả phải chơi theo ý muốn của ông, nhưng không ngờ, chính hành động của ông đã khiến cho Đảng Cộng sản bước vào thời kỳ hỗn loạn, vô trật tự, như bây giờ.

Để lùa được Tô Lâm vào chuồng là nhiệm vụ bất khả thi, và rộng hơn, để lập lại trật tự trong Đảng, bằng Đảng luật, cũng sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de