Những được mất lúc ông Nguyễn Phú Trọng đang trong cương vị Tổng Bí thư

Ngày 22/7, Blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận “Di sản của Tổng Bí thư thứ 12 gồm những gì?”

Theo đó, sau sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đời hôm 19/7, có rất nhiều nhận định, ý kiến khác nhau, cả về công trạng, lẫn trách nhiệm của ông đối với Đảng Cộng sản nói riêng, và hiện trạng chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam nói chung. Đó cũng là lý do tác giả cho rằng, cần ngẫm nghĩ xem, thật ra, di sản của ông Trọng gồm những gì.

Tác giả Trân Văn cho biết, ông Trọng là người đầu tiên được các thành viên chủ chốt trong Đảng Cộng sản đề cử, bỏ phiếu bầu làm Tổng Bí thư, mà không theo Điều lệ. Trong Điều lệ, Đảng Cộng sản từng xác định, không chấp nhận bất kỳ ai giữ vai trò Tổng Bí thư quá 2 nhiệm kỳ. Trường hợp ông Trọng trở thành “trường hợp đặc biệt”, một “ngoại lệ”!

Tác giả cũng cho biết, ông Trọng là người thứ 2 đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư, qua đời khi đang tại chức. Người đầu tiên là ông Lê Duẩn. Ông Lê Duẩn giữ vai trò Tổng Bí thư gần 26 năm, và Đảng chỉ chọn người kế nhiệm thứ 7, sau khi ông qua đời vào tháng 7/1986. Sau ông Lê Duẩn, ông Trọng là người thứ 2 có thời gian tại vị hơn 13 năm, lâu thứ nhì, và cũng qua đời lúc đang đương nhiệm.

Dù tình trạng sức khỏe giảm sút, ông Trọng vẫn không buông bỏ vai trò quyết định cả đường hướng, hoạt động của Đảng Cộng sản, lẫn lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, giai đoạn từ 2026 đến 2030.

Tác giả cho rằng, ông Trọng là người khởi xướng ý tưởng xem “tham quan, ô lại” là “củi”, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm “chỉnh đốn Đảng” là “đốt lò”. Dưới sự lãnh đạo của ông, Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa 11 và 12 rồi 13, đã đưa ra những quyết định mà trước đó chưa từng có: Loại bỏ, thậm chí xử lý hình sự hàng loạt cựu và uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đương nhiệm, kể cả những ủy viên là thành viên Bộ Chính trị.

Trân Văn nhận xét, càng ngày càng nhiều cựu và uỷ viên Ban Chấp hành Đảng đương nhiệm bị xử lý. Phần lớn là do các “vi phạm, khuyết điểm” có từ trước khi được “Tiểu ban Nhân sự” đưa vào “quy hoạch nhân sự”. Sự việc này được ca tụng như công lao của ông Trọng nói riêng, và nỗ lực “chỉnh đốn” của Đảng nói chung.

Vấn đề cần ngẫm nghĩ là, nếu không có những chỉ đạo, không có hàng loạt quy định về “quy hoạch nhân sự”, liên tục được ban hành, để nâng cao vai trò, cũng như quyền hạn của “Tiểu ban Nhân sự”; việc đề cử, bầu chọn nhân sự trong Đảng được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, như lẽ ra phải thế, thì có thể dẫn tới thực trạng như đã biết và đang thấy chăng?

Tác giả nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam thường được ông Trọng khẳng định là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, sau này ông bổ sung thêm “bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Đã thế thì tại sao truy cứu trách nhiệm liên đới, và xử lý những cá nhân lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của nhiệm kỳ sau, lại không nhất quán như vậy, dù đó mới là gốc rễ?

Song hành với “củi” và “”, qua tuyên truyền, ông Trọng được xem như một người “khiêm tốn, bình dị”, tiên phong trong việc “chống xu nịnh”. Tuy nhiên, ông là Tổng Bí thư thứ 3 được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tổ chức ca tụng tới mức gây kinh ngạc. Trong lịch sử Đảng Cộng sản, chỉ có ông Hồ Chí Minh và ông Lê Duẩn từng được tụng ca như là “niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”.

Chỉ tính từ năm 2019 đến năm 2023, có ít nhất 4 lần hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam dùng công quỹ để in “sách” của ông Trọng và sách viết về ông Trọng, tác giả cho biết.

 

Hoàng Anh – Thoibao.de