Cựu Thủ tướng Ba Dũng sẽ trở lại chính trường: Sự thật hay tin đồn?

Trong và sau Quốc tang của Tổng Trọng, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở thành tâm điểm của mạng xã hội. Trong ngày đầu Quốc tang, 25/7, khi Đài truyền hình VTV phát sóng trực tiếp, ông Dũng xuất hiện trên màn hình với nụ “cười khó hiểu”, khiến công luận dậy sóng.

Cựu Thủ tướng Dũng là đối thủ chính trị một thời của Tổng Trọng, và là người thất bại trước ông Trọng, trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 12.

Sau Quốc tang, sự chú ý của công luận đổ dồn vào sự kiện cựu Thủ tướng Dũng tham dự lễ “Khánh thành Đền thờ anh hùng liệt sĩ Rừng Sác tại huyện Cần Giờ”. Đây là một sự kiện không mấy nổi bật, nhưng đã từ lâu, ông Dũng không tham gia các sự kiện tương tự.

Đáng chú ý, trong lễ tang Tổng Trọng, ông Dũng đứng ở vị trí trung tâm, trang trọng nhất của buổi lễ. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng, gió đã đổi chiều, và Ba Dũng đã trở lại chính trường?

Theo giới phân tích quốc tế, nếu Tổng Trọng được xem là nhà lãnh đạo quyền lực nhất, khi liên tiếp làm Tổng Bí thư 3 nhiệm kỳ, thì cựu Thủ tướng Dũng cũng từng được xem là nhân vật quyền lực số 1, trước thềm Đại hội Đảng 12.

Tuy nhiên, ông Dũng đã bị Tổng Trọng cùng phe cánh cố tình bôi nhọ. Trong khi, về chính danh, Ba Dũng chưa từng bị kỷ luật lần nào. Trước thềm Đại hội 12, sức ảnh hưởng của ông Nguyễn Tấn Dũng đến Ban Chấp hành Trung ương là rất lớn. Ngoài ra, ông Dũng có quan hệ tốt với chính quyền các địa phương, và ông cũng có ưu thế đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Cần phải thừa nhận, do ông Ba Dũng là người Nam Bộ, với tính cách phóng khoáng và tin tưởng đàn em, do đó, ông đã biến các doanh nghiệp Nhà nước thành những “quả đấm thép”, mà vụ Vinashin là một ví dụ điển hình.

Chỉ trong vòng 4 năm, đầu tư tràn lan thiếu quản lý. Chỉ riêng Tập đoàn Vinashin đã làm thất thoát của Nhà nước khoảng 4 tỷ USD. Đây cũng là lý do chính để Tổng Trọng và phe cánh lấy cớ, rằng, ông Dũng là một lãnh đạo vô trách nhiệm, luôn phớt lờ các chỉ thị của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.

Cựu Thủ tướng Dũng được cho là một người thực dụng, hầu như không quan tâm về cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản như ông Trọng. Ông Dũng còn tỏ ra là nhân vật thân phương Tây, và chống Trung Quốc.

Trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam trái phép, tháng 5/2014, Thủ tướng Dũng đã tuyên bố “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”. Tuyên bố này đã khiến Ban lãnh đạo Bắc Kinh căm tức.

Tuy nhiên, theo một số ý kiến, chính những đổi mới và việc xích lại gần Mỹ của ông Dũng, khiến nhiều người trong Trung ương Đảng e ngại, và đó là lý do khiến ông bị đánh bật khỏi chính trường.

Có tin đồn cho rằng, cựu Thủ tướng Dũng sẽ trở lại chính trường, để tập hợp và dẫn dắt liên minh chống lại Chủ tịch Tô Lâm. Đây có lẽ là một nhận định thiếu chính xác.

Dẫu Thủ tướng Chính từng là một tay chân thân tín của Ba Dũng, do Ba Dũng dựng lên. Nhưng Tô Lâm cũng là một đệ tử thân cận của Ba Dũng. Đến nay, Tô Lâm vẫn còn nặng “ân nghĩa” với Tướng Nguyễn Văn Hưởng – một nạn nhân của Tổng Trọng, và là người thân cận với Ba Dũng. Việc Tô Lâm mới đây xử lý Bảy Phúc, được cho là để rửa hận cho Tướng Hưởng, đã cho thấy điều đó.

Những điều vừa kể, có liên quan gì đến câu hỏi: “Liệu có phải, bóng ma “thế lực Ba X” đang trở lại hay không?”.

Cũng theo tin đồn, trong một lần ngồi cùng nhóm sĩ quan Quân khu 9, ông Dũng từng tuyên bố, nếu có vấn đề gì thì “tao sẽ quay lại”. Điều này cho thấy, Ba Dũng chưa từ bỏ ý định tiếp tục tham gia chính trường, sau Đại hội 12. Nhưng đó là câu chuyện của gần 10 năm trước.

Năm nay, ông Dũng đã 75 tuổi, khó có thể đảm nhận được trọng trách cao nhất, hơn thế nữa, ông Dũng không phải là kẻ có “tham vọng quyền lực” như Tổng Trọng. Do đó, khó có khả năng, ông Ba Dũng sẽ trở lại chính trường một lần nữa.

 

Trà My – Thoibao.de