“Luật là Tô, Tô là luật” sẽ là mốt dưới thời Tô Lâm?

Ông Tô Lâm đã thành công đưa được ông Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị, khi ông này chưa phải là Ủy viên Trung ương Đảng trọn 1 nhiệm kỳ. Đây là hành động của Tô Lâm chà đạp lên Đảng luật. Bởi theo Quy định 214 của Đảng, người được đề cử vào Bộ Chính trị phải làm trọn một nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương Đảng trở lên. Nhưng Lương Tam Quang lại vào Trung ương  Đảng đầu nhiệm kỳ, và vào Bộ Chính trị giữa nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ngoài ra, việc đưa ông Nguyễn Duy Ngọc – Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, và ông Trịnh Văn Quyết – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vào Ban Bí thư, cũng sai quy định của Đảng. Như vậy, Tô Lâm đang thực hiện kiểu “luật là Tô, Tô là luật”, để tạo ra những lợi thế cho ông trên bàn cờ chính trị.

Từ chỗ “luật là tao, tao là luật” với dân, giờ Tô Lâm biến mô hình này thành “mốt thời thượng” trong Đảng.

Để áp đặt chế độ Công an trị ở thượng tầng, Tô Lâm cần phải thể hiện sự áp đảo về cả sức mạnh cơ bắp, lẫn sức mạnh tinh thần, so với phần còn lại. Trước đây, ở ghế Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm dễ dàng áp chế độ Công an trị đối với 100 triệu dân. Tuy nhiên, với 200 uỷ viên Trung ương Đảng và 16 uỷ viên Bộ Chính trị lại khác, Tô Lâm áp dụng chế độ Công an trị sẽ khó hơn rất nhiều, vì họ đều là những người có quyền lực trong tay.

Hiện Tô Lâm muốn cả Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đều phải răm rắp nghe lời, thì cần phải làm thêm nhiều việc. Tuy nhiên, chỉ mới lên nắm chức Tổng Bí thư chưa được 2 tháng, mà Tô Lâm đã có thể đạp lên được Đảng luật, thì đấy cũng là kỳ tích.

Ngay khi nắm chức Tổng Bí thư, Tô Lâm đã thể hiện sức mạnh vượt trội so với ông Nguyễn Phú Trọng khi mới cầm quyền. Ông Trọng phải mất 5 năm để chiến đấu với thế lực của đối thủ, rồi ông mới có thể áp dụng “luật là Trọng, Trọng là luật”, thông qua cái gọi là “suất đặc biệt” cho bản thân ông.

Chắc chắn, ông Tô Lâm cũng muốn biến luật chơi trong Đảng thành luật của Tô. Tuy nhiên, trong Đảng hiện nay có rất nhiều nhóm mạnh, ắt hẳn, họ không cam phận chịu bị áp đặt luật chơi. Tô Lâm thành công bước đầu, không có nghĩa, ông cũng sẽ thành công về sau. Điều này cần thời gian để kiểm chứng.

Mâm quyền lực bao lâu nay cũng chỉ là việc phân chia chức vụ. Phe phái thì nhiều, nhân sự thì đông, mà ghế thì lại không tăng lên. Nếu để Tô Lâm áp được thứ “luật là Tô”, thì các nhóm khác sẽ bị tước mất quyền lợi, và chắc chắn, họ sẽ không chịu “khoanh tay chịu trói”. Điều này hứa hẹn một tương lai u ám trong Đảng, với việc các phe phái cấu xé nhau không có hồi kết.

Chính trường Việt Nam hậu Nguyễn Phú Trọng sẽ là những trận kịch chiến, để tranh giành quyền lợi chính trị, hơn là tập trung phát triển kinh tế. Đảng Cộng sản Việt Nam đang trượt dài trên con đường nội loạn, người đặt nền móng là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và người đang tiếp bước là Tổng Bí thư Tô Lâm.

Với đà này, sẽ khó có chuyện Tô Lâm bị thay thế trong thời gian ngắn. Tô Lâm đang áp đặt “Luật là Tô, Tô là luật”, mà không gặp phản kháng mạnh nào, thì điều đó cho thấy, thời của Tô Lâm sẽ còn tiếp tục lâu dài.

Luật chơi dưới thời ông Trọng là “đốt lò không có vùng cấm”, luật chơi dưới thời Tô Lâm không chỉ “chống tham nhũng không có vùng cấm”, mà còn thêm “Luật là Tô, Tô là luật”. Rất có thể, thời gian tới, Tô Lâm sẽ áp dụng những biện pháp tinh vi hơn, đấy là gây áp lực buộc Trung ương Đảng phải sửa luật, để Tô Lâm vẫn có thể

thực hiện được ý đồ, nhưng trên danh nghĩa là “đúng luật” Đảng.

Khi đó, luật của Tô còn đứng trên luật của Đảng, bởi chính Đảng sẽ sửa luật Đảng theo ý Tô Lâm.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de