Có thể nói, ông Lương Cường là cái gai khó nhổ trong Ban Bí thư. Muốn đẩy ông ra khỏi Ban Bí thư, thì Tô Lâm phải hy sinh chức Chủ tịch nước. Sau khi đi thăm Trung Quốc và đi Hoa Kỳ trong tháng 9 tới, Tô Lâm có thể sẽ nhả ghế Chủ tịch nước cho Lương Cường trong Hội nghị Trung ương 10. Ngay sau đó, kỳ họp thường niên Quốc hội lần thứ 8 vào tháng 10, sẽ thông qua.
Lương Cường là một Đại tướng Quân đội, ông cũng từng là thế lực ngang ngửa với Phan Văn Giang. Đến nay, ông vẫn có ảnh hưởng lớn trong quân đội. Mặc dù là Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng Tô Lâm rất khó kiểm soát hoàn toàn quân đội. Đương thời, ông Nguyễn Phú Trọng cũng không thể kiểm soát hoàn toàn Bộ Quốc phòng.
Muốn ngồi ghế Chủ tịch nước an toàn, thì phải nắm được Công an hoặc Quân đội. Ông Tô Lâm hiện đang nắm chắc Bộ Công an. Trước đây, ông Lê Đức Anh cũng nhờ nắm chắc quân đội, mà trở thành thế lực rất mạnh trong “Tứ trụ”, thậm chí, sau khi về hưu, tiếng nói của ông vẫn rất có trọng lượng.
Nếu ông Lương Cường lên ghế Chủ tịch nước, thì sẽ không giống với Võ Văn Thưởng hay Nguyễn Xuân Phúc. Điều này chắc ông Tô Lâm hiểu hơn ai hết. Một ông Đại tướng, cả đời hoạt động trong quân đội, và ngoi lên đến Ủy viên Bộ Chính trị, từng tranh chức Bộ trưởng Quốc phòng với Phan Văn Giang, thì không thể coi thường. Nếu nhả ghế Chủ tịch nước cho ông Lương Cường, thì không biết, ông có thể gầy dựng thế lực riêng được hay không, bởi những mối quan hệ của ông trong quân đội rất khó lường.
Lương Cường và Phan Văn Giang từng là đối thủ trong cuộc chạy đua vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại Đại hội 13 đầu năm 2021. Chính vì thế, 2 thế lực mạnh trong Bộ Quốc phòng này lại không thống nhất với nhau. Tuy nhiên, nếu trở thành Chủ tịch nước, biết đâu, ông Lương Cường lại bắt tay với ông Phan Văn Giang, để thành một thế lực hợp nhất trong quân đội. Khi đó, liên minh Phan Văn Giang – Lương Cường hoàn toàn có thể cân bằng quyền lực với Tô Lâm.
Tại Hội nghị Trung ương bất thường vừa rồi, giữa Tô Lâm và Lương Cường vẫn chưa đạt được sự thống nhất về phân chia quyền lực. Điều này cho thấy, ông Lương Cường vẫn còn đủ mạnh để gây khó khăn cho ông Tô Lâm. Đây chính là mầm họa mà Tô Lâm chưa thể xử lý ổn thỏa. Một Tô Lâm tưởng như vô đối, nhưng lại phải dùng kế hoãn binh trước Lương Cường, thì xem ra, chính trường sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp.
Với tiềm lực còn khá mạnh, nếu để ông Lương Cường lại trong Ban Bí thư, rất có thể, ông Tô Lâm sẽ không dễ dàng kiểm soát được Ban này. Có một cấp phó không thần phục, không nghe lời, và có thế lực đủ mạnh để gây khó dễ, thì quyền lực của Tô Lâm sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Trong hơn 1 tháng tới, ông Tô Lâm phải tìm ra hướng giải quyết đối với ông Lương Cường. Tuy nhiên, nếu để ông Lương Cường ở Ban Bí thư, thì Tô Lâm khó có thể kiểm soát hoàn toàn Ban này. Nhưng nếu đẩy Lương Cường sang ghế Chủ tịch nước, thì lại e ngại khả năng Lương Cường bắt tay Phan Văn Giang, để cân bằng quyền lực với Tô Lâm.
Có lẽ, bài toán của Tô Lâm là làm sao chọn giải pháp ít bất an hơn, chứ chưa thể có giải pháp hoàn hảo, vì không thể cho Tướng Lương Cường rơi khỏi vũ đài chính trị, như trường hợp Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ được. Bởi Công an không có thẩm quyền điều tra Tướng Quân đội.
Tuy thế và lực của ông Lương Cường không thể so bì với ông Tô Lâm, nhưng ông Lương Cường lại có quân đội bảo vệ. Ông Tô Lâm không thể dùng công cụ thông thường như đã dùng với các đối thủ khác để triệt hạ. Có lẽ, với ông Lương Cường, ông Tô Lâm có thể dùng cách như ai đó đã dùng với ông Trần Đại Quang.
Đợi xem, ông Tô Lâm sẽ giải quyết bài toán Lương Cường như thế nào?
Thái Hà – Thoibao.de