Cân bằng quyền lực giữa các phe nhóm là vấn đề thiết yếu 

Ngày 9/9, BBC Tiếng Việt bình luận “Vì sao Đảng cần cân bằng quyền lực giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng?”

BBC cho biết, dự kiến vào tháng 10, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước mới, thay cho ông Tô Lâm.

Một số nhà quan sát nhận định, tân Chủ tịch nước sẽ xuất thân từ quân đội, và điều này nhằm cân bằng quyền lực với công an, trong bức tranh chính trị hiện tại.

BBC dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, cho biết, có tin đồn rằng, quân đội muốn đề bạt ứng cử viên của mình vào vị trí Chủ tịch nước, để cân bằng quyền lực đối với bên công an, nhất là khi phe công an, ngày càng nắm giữ các chức vụ trọng yếu.

BBC cho hay, xét hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực nhất. Trong Bộ Chính trị, Tứ trụ là những lãnh đạo đứng đầu, được xếp hạng về quyền lực từ trên xuống, là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, và các chức danh này thường do những cá nhân khác nhau nắm giữ.

Theo BBC, Bộ Chính trị hiện tại có 15 ủy viên. Trong đó, 6 người xuất thân từ công an và 4 người từ quân đội.

Như vậy, có thể thấy, những người xuất thân từ công an hiện đang nắm các vị trí quan trọng, với số lượng áp đảo những người từ quân đội.

Theo ông Thayer, Bộ Chính trị hiện nay gồm các đại diện từ một số phe phái, gồm nhóm Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, miền Nam, quân đội và công an.

BBC dẫn nhận định của một nhà quan sát chính trị Việt Nam, cho rằng, trong cấu trúc quyền lực hành pháp Việt Nam, từ năm 1945 đến nay, Bộ Quốc phòng là bộ quan trọng nhất, rồi đến Bộ Công an, sau đó mới đến Bộ Ngoại giao… Đây là 3 bộ được phép có tới 6 thứ trưởng, trong khi các bộ còn lại thì không quá 5 thứ trưởng, theo quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ.

Giáo sư Thayer nhận xét, quân đội và công an có những trách nhiệm, chức năng chồng chéo trong xã hội, vì thế, đôi khi tạo ra mâu thuẫn và đụng độ, dẫn đến sự cạnh tranh, để tranh giành nguồn ngân sách.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Zachary Abuza, từ Mỹ, rằng, sự kèn cựa giữa 2 lực lượng vũ trang, một phần là do các bộ thường cạnh tranh nhau về quyền lực và tài nguyên. Đó là bản chất của sự cạnh tranh quan liêu.

Còn theo Giáo sư Thayer, nhìn từ góc độ thể chế thuần túy, cả quân đội lẫn công an đều không thể thống trị, lấn lướt, và vì thế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phải tính đến lợi ích của họ, để tạo nên sự đồng thuận. Ông Tô Lâm là Tổng Bí thư đầu tiên xuất thân từ công an, và việc cân bằng, tìm kiếm sự ủng hộ giữa các phe phái, sẽ là bài toán lớn cho ông.

Vẫn theo BBC, về cách nhìn nhận của công chúng, quân đội dường như có hình tượng tốt đẹp hơn công an, người ta thường gọi thân tình là “chú bộ đội”. Bởi lẽ, Quân đội Nhân dân Việt Nam là một tổ chức được tôn kính, với lịch sử lẫy lừng trong việc giành lại độc lập cho Việt Nam.

Theo Giáo sư Abuza, bên cạnh vai trò lãnh đạo cách mạng, và nhiều hệ thống quân sự hiện tại, khiến mọi người ở Việt Nam đều có mối liên hệ trực tiếp, về mặt nào đó, với quân đội.

Ngược lại, theo ông Abuza, đa phần người dân không có thiện cảm với công an, vì Bộ Công an là một cơ quan quan liêu khổng lồ, với quyền lực bao trùm.

“Trong khi đó, Quân đội là tổ chức chính trị được tin cậy nhất tại Việt Nam, dù rằng, đây là quân đội của Đảng, có nghĩa vụ pháp lý bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa.”

Giáo sư Abuza kết luận rằng, việc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chiếm phần đông trong các cơ quan chủ chốt của Đảng, bao gồm Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, cho thấy sự bất an của chế độ về vấn đề an ninh nội địa, với mối đe dọa của cách mạng màu và diễn biến hòa bình.

 

Minh Vũ – thoibao.de