Thăm Cuba, về nước Tô Lâm sẽ bị “lột chức”, thế lực Hưng Yên sẽ gặp khó?

Tô lâm đi Mỹ rồi ghé Cuba, với tư cách là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam. Theo thông báo của nhà cầm quyền Cộng sản, thì sang tháng 10, trong kỳ họp chính thức của Quốc hội, các đại biểu sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm chức Chủ tịch nước của ông Tô Lâm, và bầu lại Chủ tịch nước mới.

Tuy chức Chủ tịch nước chỉ mang hình thức lễ nghi, nhưng khi ông Tô Lâm kiêm nhiệm 2 chức, thì chức Chủ tịch nước này đã trở nên cực kỳ quyền lực, tương tự Tập Cận Bình của Trung Quốc. Trên thực tế, nhờ vai trò Chủ tịch nước, Tô Lâm đã có dịp ca “bài ca đổi mới” trên đất Mỹ, khiến nhiều nhà bình luận lạc quan, đánh giá tốt về ông. Có thể nói, chức Chủ tịch nước đối với Tô Lâm không hề vô dụng, mà ngược lại, nó rất hữu dụng.

Việc ông nhả chức Chủ tịch nước, có thể hiểu, là do ông bị ép, hơn là ông chê chức này. Bởi vì, một khi có tham vọng chi phối quyền lực trong Đảng, để cầm quyền suốt đời, thì cần phải nắm trong tay càng nhiều chức quyền càng tốt, như Tập Cận Bình của Trung Quốc.

Việc Tô Lâm sắp bị thế lực quân đội “lột chức”, cho thấy rằng, đang có một thế lực mới nổi lên, buộc ông Tô Lâm phải nhượng bộ.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công nắm giữ quyền lực, với công thức “Tứ trụ + Công an”. Thì nay, ông Tô Lâm cũng sử dụng công thức này. Điều đáng nói là, thời ông Trọng không hề có thế lực “Tứ trụ + Quân đội” để cân bằng. Nhưng nay, đến thời Tô Lâm, công thức quyền lực thứ hai đang được nhen nhóm. Nếu không thể dập tắt, có thể, Tô Lâm không được yên ở ngôi vị cao nhất trong Đảng.

Việc phải nhả chức Chủ tịch nước là tín hiệu rất không tốt cho ông Tô Lâm và nhóm Hưng Yên. Nếu đủ lực để giữ cả 2 chức trong tay, thì đồng nghĩa, Tô Lâm đã triệt hạ được một nhóm quyền lực lớn mới hình thành. Vậy nên, hậu đi Mỹ, đặc biệt là hậu kỳ họp Quốc hội vào tháng 10, rất có thể, cục diện giữa các phe phái trên chính trường Việt Nam có sự thay đổi đáng kể.

Lâu nay, Tô Lâm đã áp đặt chế độ Công an trị lên đầu 100 triệu dân Việt và không gặp khó khăn gì. Nay ông muốn áp chế độ Công an trị lên 5 triệu đảng viên, thì đã vấp phải một thách thức lớn, đặc biệt là từ những uỷ viên Trung ương Đảng và uỷ viên Bộ Chính trị. Họ đều là những người có quyền lực, những nhóm quyền lực, nên không dễ dàng chịu sự áp đặt của Tô Lâm.

Trước đây, ông Trọng từng nắm giữ 2 chức Tứ trụ, trong một thời gian khá dài, khoảng gần 3 năm. Phải đến Đại hội 13 ông Trọng mới nhả chức Chủ tịch nước.

Còn với Tô Lâm, ông nắm 2 chức chưa được bao lâu, thì đã buộc phải nhả chức. Việc này cho thấy, áp lực quanh ông Tổng Bí thư họ Tô hiện nay, căng thẳng hơn áp lực đối với ông Trọng trước đây rất nhiều. Việc của Tô Lâm hiện nay là phải giữ cho chắc “ngai vàng” Tổng Bí thư, tránh bị lật đổ, là đã thành công.

Dùng bạo lực để đoạt chức, thường đạt được ý đồ rất nhanh, nhưng hậu chiến thắng, lại là một chuỗi khó khăn tiếp nối. Hiện nay, không chỉ Bộ Chính trị mà cả Trung ương Đảng, hầu như, không mấy ai đồng lòng với Tô Lâm. Nguyên nhân là họ sợ ông dùng công cụ “chống tham nhũng” để loại bỏ họ. Hơn nữa, cách đoạt ngôi của Tô Lâm làm cho rất nhiều nhân vật trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị không phục.

Hiện nay, thế lực của Tô Lâm đang bị chững lại, do gặp cản lực rất lớn từ trong Đảng. Khi tung đòn đánh úp những hạt giống do ông Nguyễn Phú Trọng dựng nên, Tô Lâm có được yếu tố bất ngờ. Còn giờ đây, yếu tố bất ngờ không còn nữa, nên lợi thế của Tô Lâm cũng đã cạn.

Nếu ông Tô Lâm không thay đổi chiến thuật, rất có thể, những thế lực khác lại tìm được cách đối phó hữu hiệu đối với phe Hưng Yên của ông. Lúc đó, chính trường Việt Nam sẽ có nhiều “phim hay” đáng xem.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de