Phải chăng 2 tướng Lương Cường và Nguyễn Trọng Nghĩa chống Tổng Bí thư Tô Lâm?

Từ ngày 30/9 đến 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Mông Cổ, Ireland và Pháp, đồng thời tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19.

Đây là cơ hội cuối cùng của ông Tô Lâm, để thăm các nước khác, với tư cách nguyên thủ quốc gia của Việt Nam. Vì sau chuyến công tác này, theo dự kiến, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước mới, theo Nghị quyết của Trung ương Đảng. Theo thông báo chính thức, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 15, sẽ khai mạc vào ngày 21/10. Dự kiến thời gian làm việc là 29 ngày, chia thành 2 đợt.

Theo một số đánh giá, chuyến công du này của ông Tô Lâm, diễn ra trong bối cảnh trong nội bộ Đảng không yên tĩnh. Mới nhất, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, và Bộ Công an, được cho là đã nhận thấy có nhiều dấu hiệu “bất bình thường”. Thậm chí, “Hà Nội sẽ là mục tiêu, địa bàn tiến công xâm lược của kẻ thù!?”.

Đây là lý do, ngày 29/9, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng, khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội, trong 4 ngày.

Sau khi kết thúc chuyến làm việc tại Mỹ, và thăm chính thức Cuba, theo một số suy đoán, ông Tô Lâm đang tìm mọi cách để lật lại hồ sơ, xử lý một số tướng lĩnh cấp cao của quân đội, thuộc dạng “cứng đầu”, đang chống phá các nỗ lực cải cách của ông.

Trong đó, Thường trực Ban Bí thư – Đại tướng Lương Cường, và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, có sự bất hòa với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và cả Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo giới thạo tin, khi Đại hội 13 sắp diễn ra, Đại tướng Lương Cường được cố Tổng Bí thư Trọng lựa chọn, và cũng là người có triển vọng nhất để ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nếu Tướng Lương Cường lên Bộ trưởng, thì đương nhiên, Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ ngồi thay ở ghế Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Khi đó, hoạn lộ của Tướng Nghĩa sẽ thênh thang, có thể vào được Bộ Chính trị, và cũng có thể sẽ có quân hàm cấp Đại tướng.

Nhưng với sự ủng hộ của các tướng lĩnh khối tác chiến, Tướng Phan Văn Giang đã giành được ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào giờ chót. Điều đó đã khiến 2 tướng Cường và Nghĩa “vỡ mộng”.

Chưa hết, sự bành trướng quyền lực của phe công an, đã áp đảo phe quân đội, với số lượng ủy viên Bộ Chính trị xuất thân từ công an lên đến 6 người. Trong khi, số xuất thân từ quân đội chỉ là 3 ủy viên, bằng một nửa. Đó được cho là một trong những lý do, khiến sau Đại hội 13, Tướng Nghĩa được phân công giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Theo thông lệ, người ngồi ghế này sẽ đương nhiên sẽ là Uỷ viên Bộ Chính trị. Nhưng không hiểu vì lý do gì, Tướng Nghĩa vẫn là Ủy viên Trung ương Đảng, cho mãi đến Hội nghị Trung ương 9 mới được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Đây cũng được cho là lý do, vì sao Đại tướng Lương Cường và Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa luôn chống đối Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đáng chú ý, trong cuộc gặp với Tổng thống Biden, ngồi bên phải ông Tô Lâm là 4 ủy viên Bộ Chính trị, nhưng Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tân Ủy viên Bộ Chính trị lại chiếm vị trí được cho là “giám sát” ông Tô Lâm.

Hôm đó, ông Nghĩa ngồi ở vị trí cao hơn Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong quân đội. Theo một số nhận định, đây là một biểu hiện rất bất thường, dấy lên nhiều nghi vấn về sự chống đối ra mặt của một số tướng lĩnh trong quân đội. Liệu điều đó có liên quan gì đến vụ Ban Tuyên giáo Trung ương ra lệnh xóa bỏ một đoạn phát biểu của ông Tô Lâm, về “những người bạn Mỹ” không?

Có ý kiến cho rằng, ông Tô Lâm sẽ thông qua Tổng Cục Tình báo Quân đội – Tổng cục 2, để lật lại hồ sơ, nhằm xử lý các tướng lĩnh cấp cao của quân đội, đang chống lại công cuộc cải cách của ông. Nhưng có lẽ, đối với 2 tướng đi lên từ công tác chính trị, như Lương Cường và Nguyễn Trọng Nghĩa, thì khó tìm được dấu vết nhúng chàm.

 

Trà My – Thoibao.de