Việt Nam không phát triển do tư duy đóng khung của giới lãnh đạo

Ngày 29/10, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận của tác giả Nguyên Tống: “Lý do vì sao Singapore vượt lên trước Việt Nam gần 200 năm?”.

Tác giả trích dẫn lời của ông Lý Quang Diệu, đánh giá về cải cách của Việt Nam, theo đó, dù đã thay đổi đáng kể sau những năm 1990, nhưng thế hệ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy Xã hội Chủ nghĩa. Họ bắt tay vào cải cách, vì đất nước đang chẳng đi đến đâu. Nhưng họ không thể hiện được quyết tâm thật sự trong việc đại tu hệ thống, như ở Trung Quốc. Chính họ đã khiến Việt Nam trì trệ.

Với kinh nghiệm trực tiếp, ông Lý đánh giá, giới lãnh đạo Việt Nam chỉ cải cách nửa vời. Họ không hiểu rằng, một nhà đầu tư hài lòng sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác. Ý tưởng của họ là, khi đã phục kích được một nhà đầu tư vào một góc phòng rồi, thì đó là cơ hội để vắt của anh ta càng nhiều càng tốt.

Ông Lý Quang Diệu nhận thấy, giới lãnh đạo Việt Nam lên chức và nắm giữ những vị trí quyền lực, không phải vì đã quản lý tốt nền kinh tế, hay đã thể hiện được tài năng quản trị, mà vì thành tích trong cuộc chiến hơn 30 năm.

Ông Lý so sánh, điểm chung của họ với kinh nghiệm mở cửa của Trung Quốc, chính là các quan chức trở nên tham nhũng. Điểm khác biệt là Việt Nam không có một nhân vật kiểu Đặng Tiểu Bình, vừa có vị trí không thể tranh cãi, vừa có niềm tin không lung lay rằng, cải cách toàn diện là lối thoát duy nhất.

Lý do thiếu vắng một nhân vật như vậy, theo ông Lý, là do Chiến tranh Việt Nam. Bởi giới Cộng sản Việt Nam bị kẹt trong cuộc chiến, chẳng học được gì về cách điều hành đất nước. Trong khi, hầu hết doanh nhân thành công ở miền Nam, đã rời bỏ đất nước trong những năm 1970.

Ông Lý lấy làm tiếc cho Việt Nam, bởi người Việt là một trong những dân tộc nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á, nhưng những người thông minh không phát huy được tiềm năng của mình.

Tác giả lý giải về lý do khiến Việt Nam không thể làm được như Trung Quốc.

Đó là do “cơ chế”, do cách chọn người theo kiểu “quy hoạch”, nhưng lại không “chấm điểm” bằng kết quả của những thành tựu kinh tế xã hội họ đạt được, mà chỉ bằng vào việc họ có trung thành hay không. Điều đó làm triệt tiêu mọi ngả đường đến với tri thức của “lãnh đạo”, chỉ còn lại đám nịnh bợ, phong trào.

Tác giả phân tích, ngay từ khi đặt chân vào con đường “quan lộ”, thì họ đã bị cho vào một quả cầu pha lê lý tưởng. Họ chỉ được đứng trong quả cầu đó mà nhìn ra thế giới.

Họ bắt đầu dùng những “chuẩn mực” đã lỗi thời do các quả cầu pha lê đó đặt ra, để đo mọi vật bên ngoài, mà không biết rằng, những chuẩn mực ấy rất sai so với thực tế xã hội. Thế rồi, từ tin tưởng, họ chuyển sang ngạo nghễ, rằng quả cầu này là chân lý, rằng họ cao hơn phần còn lại. Những ai nói ngược lại điều này đều là phản động.

Theo tác giả, giới lãnh đạo Việt Nam không cần học thêm, trau dồi thêm gì, ngoài việc tuân theo chỉ đạo của “chủ cầu”, với một mục đích duy nhất là được cất nhắc lên quả cầu to hơn, nhiều bổng lộc hơn. Và họ chỉ tập trung vào một kỹ năng duy nhất, để được chui lên quả cầu to hơn đó.

Mà kỹ năng ấy thì lại không bao gồm những kỹ năng sống thông thường, không cần sáng tạo hay tri thức khoa học, chỉ cần học thuộc lòng chỉ dẫn và thêm kỹ năng luồn lách. Và từ đó, tư duy của họ bị đóng lại, bị ngừng lớn, ngay khi họ bước chân vào quan lộ.

Vẫn theo tác giả, điều đó cũng giải thích vì sao các quan chức ngày càng kém về tri thức, nhưng lại rất giỏi chạy chọt, tham nhũng. Và đặc biệt là, họ thấy những việc họ làm là rất bình thường, không có gì là tội lỗi, là ghê tởm với nhân dân cả. Không những ngừng lớn về tư duy tri thức, họ còn ngừng lớn cả về chuẩn mực đạo đức xã hội.

Tác giả tiếp xúc với họ nhiều, nên biết, nhiều người trong số họ cũng có xuất phát điểm là người tử tế, và thậm chí là thông minh, mà sau khi bỏ cả cuộc đời ra để “chui cầu”, thì tư duy, trí tuệ lại trở nên thảm hại.

 

Hoàng Anh – thoibao.de