Kể từ ngày 29/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đổi tên thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo giới quan sát, cụm từ “chống lãng phí” đã xuất hiện và trở thành một “hot trend” vào giữa tháng 10 vừa qua, sau khi truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tải bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong bài viết, ông Tô Lâm cho rằng Việt Nam phải xác định việc phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trên mạng xã hội đã có không ít ý kiến nhắc lại vụ việc hết sức tai tiếng của ông Tô Lâm thời là Bộ trưởng Bộ Công an. Vào tháng 11/2021, Đại tướng Tô Lâm đã xuất hiện trong một bữa tiệc xa hoa tại một nhà hàng ở London, Anh quốc, với món “thịt bò dát vàng” có giá mỗi phần tới khoảng 850 bảng Anh, tương đương gần 1.200 USD. Công luận đặt câu hỏi, khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm vẫn chưa biết tiếc tiền, liệu lời kêu gọi chống lãng phí của ông có thực chất?
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết, kể từ đầu năm 2024 đến nay, trong quá trình điều tra một số “đại án”, các cơ quan Tư pháp đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa trên 6.150 tỷ đồng, và nhiều tài sản có giá trị khác.
Cụ thể như sau: Đại án Phúc Sơn: gần 320 tỷ đồng, bao gồm gần 2 triệu USD, 534 lượng vàng SJC và 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đại án Công ty Xuyên Việt Oil gồm 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, 134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.100 tỷ đồng, 4,7 tỷ đồng tiền mặt, hơn 490.000 USD…
Đây chính là lý do đã từ lâu, dưới thời của cố Tổng Bí thư Trọng, công luận đã đòi hỏi phải thu hồi triệt để tài sản tham nhũng. Có như vậy, thì việc chống tham nhũng mới thành công?
Công cuộc chống tham nhũng, với phương châm “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại” của cố Tổng Bí thư Trọng, được đánh giá là thất bại hoàn toàn.
Cụ thể với quy định, các lãnh đạo từ cấp ủy viên Trung ương trở lên nếu dính dáng đến tham nhũng, khi bị phát hiện sẽ được phép “chủ động” làm đơn xin thôi chức, và nộp lại 2/3 tài sản tham nhũng, khi đó sẽ được miễn xử lý hình sự, mà chỉ bị xử lý hành chính hay kỷ luật trong nội bộ Đảng.
Đó là lý do trong các vụ việc “nổi cộm” của các lãnh đạo cấp cao của Đảng, như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ hay bà Trương Thị Mai… chỉ bị buộc thôi chức, vì dính líu đến việc nhận hối lộ, biển thủ tài sản của nhà nước nhiều triệu USD. Họ vẫn hạ cánh an toàn, và điều đáng nói là tiền bạc và tài sản tham nhũng không bị tịch thu để xung công.
Theo giới quan sát, cho đến nay, dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, việc chống tham nhũng cũng chẳng khá hơn. Ví dụ mới đây là vụ án của cựu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến, và ban lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đã móc ngoặc, thông thầu với công ty AIC.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát tối cao, ngày 12/09 đã truy tố 13 bị cáo. Trong đó, 4 quan chức bị truy tố tội “nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354, Bộ Luật hình sự năm 2015, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát tối cao đã đề nghị mức án cho 4 bị cáo là quan chức lãnh đạo trên, với mức án cao nhất chỉ 4 đến 5 năm tù.
Ông Tô Lâm nhậm chức Tổng Bí thư đến nay gần tròn 3 tháng, nhưng xem ra những chủ trương mới liên tiếp gần đây cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ “nói một đằng, làm một nẻo”.
Trà My – Thoibao.de