– Medium Magazin #5/2024
(Medium, tạp chí Đức chuyên ngành truyền thông, số 5 năm 2024)
– Tác giả: Niklas Munch
– Người dịch: Hiếu Bá Linh
Lê Trung Khoa chơi trò mèo vờn chuột với chế độ Hà Nội. Với cổng thông tin Thời Báo, ông cung cấp cho hàng triệu người ở Việt Nam tin tức độc lập – bất chấp mọi đe dọa.
Bất cứ ai mà gặp Lê Trung Khoa tại văn phòng của anh ở một khu công nghiệp tại quận Lichtenberg của Berlin, đều biết người đàn ông mặc áo vest này là một doanh nhân điều hành công ty cung cấp hệ thống máy tính tiền nhà hàng. Nhưng họ không biết rằng, vào buổi tối, sau tám giờ làm việc ban ngày, Lê đi vào kho chứa nhỏ trong văn phòng của mình. Nó được cải tạo thành một phòng thu hình. Anh ta bật các đèn rọi, máy ảnh và máy nhắc chữ – và nhà kinh doanh trở thành phát thanh viên trong hai giờ. Bởi Lê Trung Khoa là người điều hành và là gương mặt đại diện của một trong những tờ báo Việt Nam lưu vong thành công nhất. Đó là tờ “Thời Báo”. Với công việc này, anh chiến đấu hàng ngày chống lại sự kiểm duyệt ở quê hương mình.
Có lẽ anh ta cũng không ngờ rằng, mình trở thành một người làm truyền thông mà bị nằm trong tầm ngắm của chính quyền Việt Nam. Sinh năm 1971 tại Việt Nam, anh ấy đến bang Thüringen [miền Ðông nước Đức] khi còn trẻ hồi đầu những năm 1990; bố mẹ anh đã sống ở đây một thời gian dài. Anh học thiết kế truyền thông tại Đại học Bauhaus ở thành phố Weimar [cũng thuộc bang Thüringen]. Tại đây, anh bước những bước đầu tiên của một nhà báo và trong một dự án của Trường Đại học, anh đã ghi âm các chương trình phát thanh ở Việt Nam để sau đó xuất bản chúng trên Internet. Anh đã sớm nhận ra đối tượng mà sau này qua tờ Thời Báo anh ấy sẽ phục vụ: những người Việt Nam sống xa quê hương nhưng vẫn muốn nắm bắt thông tin về đất nước.
Sau khi học xong, Lê dành toàn bộ thời gian cho những việc khác, chuyển đến Berlin và thành lập công ty kinh doanh hệ thống máy tính tiền. Tuy nhiên, anh vẫn không quên nghề báo của mình và sáng lập tờ Thời Báo. Ban đầu là một tờ báo nhỏ được phân phát cho cộng đồng người Việt ở nhiều thành phố khác nhau trên nước Đức. Vì chi phí in ấn quá cao, nên sau đó tờ báo đã chuyển thành cổng thông tin trực tuyến [báo trên mạng với địa chỉ Thoibao.de] vào năm 2008. Ban đầu anh hợp tác với “vietnamnet”, một cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam để sử dụng các bài viết của nó. Anh đã thành công trong việc thu hút các công ty và doanh nhân trong cộng đồng người Việt ở Đức đăng quảng cáo, khi đó nội dung tờ “Thời báo” tuân theo đường lối [kiểm duyệt] của chế độ Việt Nam.
Nhưng rồi xảy ra đổ vỡ với Hà Nội vào năm 2017 [vì đăng tin sự thật về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc]. Từ đó trở đi, Lê đưa tin phê bình chính trị Việt Nam và viết những bài trái chiều với sự tuyên truyền trong nước. Anh nói rằng anh ta ngán tới tận cổ về sự kiểm duyệt, bưng bít thông tin ở Việt Nam, nó gây tổn hại cho đất nước và cản trở sự phát triển tích cực của Việt Nam. Hậu quả: Việc hợp tác với “vietnamnet” chấm dứt, các nhà quảng cáo rút bỏ, anh cũng bị áp lực từ các quan chức Việt Nam và trang web “Thời Báo” bị chặn ở Việt Nam từ năm 2017, Lê cho biết.
Kể từ đó, anh đã một mình chiến đấu chống lại bộ máy tuyên truyền của chế độ Việt Nam. Vì trang web của Thoi Báo bị chặn ở Việt Nam, nên anh ấy cố gắng tiếp cận độc giả của mình thông qua các mạng xã hội, nhưng cơ quan an ninh mạng cũng tìm cách ngăn chặn, anh nói. Mỗi ngày anh đều nhận được những thông báo về các bài bị chặn [theo yêu cầu của nhà nước Việt Nam], Lê vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi thấy thông báo mới đây nhất trên điện thoại của anh ấy. Là một người đam mê công nghệ, anh không để điều đó làm mình nản lòng và Lê tự hào khoe với chúng tôi thủ thuật mới nhất của anh, làm cho độc giả ở Việt Nam vẫn truy cập được trang web của Thời Báo.
Nhưng không chỉ là các cuộc tấn công của hacker và các nỗ lực kiểm duyệt của Việt Nam, Lê và gia đình còn phải luôn luôn sống trong nỗi lo sợ sẽ có người gây thương tích hoặc bắt cóc anh. Lê cũng thường xuyên nhận được những lời dọa giết. Vì vậy, anh đã được cảnh sát Đức bảo vệ kể từ năm 2018. “Tôi không còn có thể sống bình thường”, Lê nói. Cũng vì Đại sứ quán Việt Nam không gia hạn hộ chiếu cho anh, nên anh chỉ có thể đi ra nước ngoài ở mức độ hạn chế từ 6 năm qua.
Tuy nhiên, Lê cho biết anh sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả, chịu thiệt hại cho cá nhân mình, nếu qua Thời Báo anh có thể giúp nhiều người ở Việt Nam tiếp cận được tin tức độc lập, không bị kiểm duyệt. Thật sự, với Thời Báo, anh đã tiếp cận được hàng triệu độc giả ở Việt Nam. Hiện nay, anh tuyển dụng ít nhất 10 người trên khắp thế giới để làm việc cho Thoibao.de. Ngoài các bài báo, Lê và nhóm của anh còn sản xuất các nội dung video ngày càng nhiều. Anh dựa vào những người ở Việt Nam, mà họ cung cấp thông tin cho anh, danh tính của họ chỉ có anh ta biết chứ không phải những người còn lại trong nhóm, vì anh ấy phải đặc biệt bảo vệ nguồn tin của mình.
Tiền từ quảng cáo đủ để trang trải cho tờ báo, nhưng thu nhập của nó bị dao động hàng tháng bởi các biện pháp chặn truy cập của Việt Nam. Chính vì vậy Lê Trung Khoa không muốn từ bỏ công việc chính của mình [kinh doanh hệ thống máy tính tiền], vì khi đó nguồn tài chính độc lập của tờ báo sẽ không được đảm bảo.
Lê vẫn còn nhiều ý tưởng cho tương lai. Anh cũng muốn cung cấp cho người dân ở Nga và Trung Quốc những tin tức độc lập về thế giới bằng ngôn ngữ quốc gia của họ. Những nhân viên cảnh sát thường xuyên tiếp xúc với anh đã cảnh báo rằng việc mở rộng sẽ khiến anh gặp nhiều nguy hiểm hơn nữa. Nhưng Lê nhận định một cách thực tế: “Dù sao thì tôi cũng đang bị đe doạ ở mức độ cao nhất rồi!”./.
>>> Hà Nội vào thu đối với vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc
>> Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đi thăm và làm việc tại Đức nhằm đưa bà Nhàn trở về nước
>>Tân Đại tướng Lương Tam Quang sắp tổ chức đại tiệc “vinh quy bái tổ”
>>“Thái tử Bộ Công an” Đại tá Nguyễn Minh Phương là ai?
>> Chuyện kỳ lạ: Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm được quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng
>> Bộ trưởng Lương Tam Quang gặp rắc rối tại sân bay trong chuyến thăm Nga vừa qua