Ngày 1/11, báo VTC News đăng bài “Giá thuê nhà ở xã hội Hà Nội gần bằng 1 tháng lương, người nghèo “choáng váng”’.
Nếu người nghèo bỏ tiền ra thuê căn nhà, được nhà nước lấy danh nghĩa mình để xây, thì họ sẽ không còn tiền để chi tiêu cho những khoản chi căn bản khác. Đây chính là một trong những điều cho thấy, dù mang danh là nhà ở dành cho người nghèo, nhưng lại cách rất xa tầm với của người nghèo.
Ngày 11/5, báo Vnexpress cũng đăng bài “Đại diện công nhân thành phố Hồ Chí Minh: “Nhà ở xã hội chỉ thấy trên tivi”’. Tức là, trên thực tế, người nghèo vẫn không thể mua được nhà ở xã hội.
Rõ ràng, dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội của ông Nguyễn Thanh Nghị – Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đang cho thấy sự bất cập của nó. Người nghèo mua nhà ở xã hội không được, mà thuê cũng không nổi. Vậy là, người nghèo tiếp tục bị đẩy ra khỏi tầm với của dự án. Vậy đây là thành công hay thất bại của ông Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị?
Nếu xét về khẩu hiệu, thì rõ ràng, đây là một dự án thất bại hoàn toàn. Khẩu hiệu được tung ra, là “nhà ở xã hội”, “nhà ở dành cho người thu nhập thấp”. Nhưng những đối tượng trong khẩu hiệu ấy lại không được gì. Rõ ràng, đấy là dự án thất bại.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khía cạnh khác, thì rất có thể, đây lại là một dự án rất thành công, cho quan chức và các doanh nghiệp được ưu đãi nhận dự án.
Thực tế, việc xây dựng các khu nhà ở xã hội, vẫn đang được triển khai. Một số công trình đã hình thành, chỉ có điều, nó không được đưa đến tay đúng đối tượng mà nó phục vụ. Dự án dành cho người nghèo, nhưng người nghèo lại không được hưởng. Thành phần hưởng lợi lại toàn là người có quyền và có tiền.
Kết quả, người nghèo vẫn phải ăn bánh vẽ, nhường bánh thật cho quan chức và đại gia.
Nhà ở dành cho người có thu nhập thấp không phải là vấn đề mới, mà là chính sách phổ biến ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Thanh Nghị đề ra chính sách này, ông đã làm ngơ trước những khó khăn không thể khắc phục đối với người nghèo. Đó là, giá bất động sản ở Việt Nam đã bị đẩy quá cao, xa tầm với của giới trung lưu, thì làm sao người nghèo có thể với tới.
Trong khi, giá bất động sản bị đẩy quá cao, là do quản lý yếu kém của Chính phủ trong suốt nhiều năm. Bất động sản là ngành mà các sân sau của quan chức thi nhau đẩy giá, để đầu cơ kiếm lời nhanh. Kẻ đầu cơ giàu lên nhanh chóng, trong khi người dân bị mất cơ hội an cư.
Đồng bộ chính sách là điều cần thiết, nếu muốn một chính sách khả thi. Ví dụ, để chính sách xây 1 triệu căn nhà ở xã hội khả thi, thì những chính sách liên quan đến đất đai, phải tính đến khả năng người trung lưu dễ dàng mua được nhà. Tuy nhiên, rất nhiều năm qua, vấn đề này bị thả nổi, nên chính sách 1 triệu căn nhà ở xã hội của ông Nghị trở nên bất khả thi.
Cũng có ý kiến cho rằng, ông Nghị không thể không biết đến vấn đề đồng bộ chính sách. Ông thừa biết, nhà ở xã hội nằm ngoài tầm với của người nghèo. Tuy nhiên, ông vẫn đề ra chính sách này, đơn giản vì, Bộ Xây dựng cũng biết vẽ dự án, như những bộ ngành khác.
Nhân danh người nghèo để hoạch định chính sách, rồi gạt người nghèo sang một bên bằng đủ các cơ chế gây khó khăn. Cuối cùng, dự án dành cho người nghèo lại rơi vào tay đại gia. Dùng người nghèo để ban cho đại gia những ưu đãi, và từ đó, quan chức có phần lại quả đậm.
Ở đất nước này, người nghèo chỉ là đối tượng để Đảng dùng làm bình phong. Lấy danh nghĩa người nghèo để lập ra các khẩu hiệu tuyên truyền. Sẽ không có lợi ích nào thực sự dành cho người nghèo. Bởi nếu biết nghĩ đến người nghèo, thì quan chức đã không gặm nhấm ngân sách, để làm giàu cho bản thân.
Thái Hà – Thoibao.de