Ngày 2/11, RFA Tiếng Việt bình luận, “Việt Nam: Nước Cộng sản duy nhất không nhất thể hóa”.
RFA cho biết, ông Tô Lâm đã nhường vị trí Chủ tịch nước cho ông Lương Cường hôm 21/10, chỉ nắm giữ vị trí Tổng Bí thư quyền lực nhất. Trong khi, các nước cùng thể chế Cộng sản. như Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên, Cuba, đều đã “nhất thể hóa” vị trí nguyên thủ.
Vậy tại sao Việt Nam dùng dằng khi thực hiện mô hình này?
RFA nhắc lại, gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã 2 lần “thử nghiệm” cơ chế này. Ông Nguyễn Phú Trọng từng kiêm nhiệm 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, từ năm 2018 đến 2021, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời. Mới nhất, ông Tô Lâm kiêm nhiệm 2 chức danh nói trên, từ ngày 3/8 đến ngày 22/10/2024.
RFA lưu ý, theo Điều 4 Hiến pháp năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Điều 86 quy định “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.
Như vậy, 2 điều này trong Hiến pháp hiện hành đã cho thấy, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước là 2 vị trí tách biệt nhau. Mặt khác, Hiến pháp hiện hành cũng cho thấy, vị trí Chủ tịch nước thấp hơn Tổng Bí thư, do Tổng Bí thư là người đứng đầu “lực lượng lãnh đạo Nhà nước”. Nguyên thủ thực sự của thể chế chính trị hiện nay là Tổng Bí thư.
Vì lý do trên, trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng, muốn nhất thể hóa 2 vị trí Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, thì Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp 2013.
RFA dẫn nhận xét của Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, cho rằng, việc ông Tô Lâm nắm giữ cả 2 vị trí đứng đầu Đảng và nhà nước, dẫn đến lo ngại rằng, ông đang tích lũy quá nhiều quyền lực, thông qua việc đưa lực lượng công an chiếm đa số trong Bộ Chính trị.
Mặt khác, “việc đại biểu Quốc hội nhất trí bầu ông Cường, là một dấu hiệu cho thấy, việc chia sẻ quyền lực thông qua cơ cấu lãnh đạo Tứ trụ được ủng hộ rộng rãi” – ông Thayer cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo RFA, trong Bộ Chính trị, những người có gốc công an chiếm đa số, nhưng trong Ban Chấp hành Trung ương, các ủy viên bên quân đội chiếm số lượng nhiều hơn.
Theo Giáo sư Carl Thayer, với các đại diện ở Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “vai trò chính trị của quân đội và công an được thể chế hóa trong cơ cấu lãnh đạo của Đảng. Cả 2 phe đều được đại diện khối trong Ban Chấp hành Trung ương”.
RFA dẫn nhận định của Giáo sư Zachary Abuza, từ Mỹ, cho rằng: “có một phe quân sự, đóng vai trò là cơ quan kiểm tra, cân bằng về mặt thể chế đối với Bộ Công an”. Và như vậy, quân đội và công an là những “đối thủ” có tính thể chế.
RFA cũng dẫn giả thuyết của Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, về “ẩn số Trung Quốc”, trong việc ông Tô Lâm từ bỏ vị trí Chủ tịch nước. Theo Luật sư Khanh, ông Tô Lâm có nhiều động thái nghiêng về Mỹ và phương Tây, do đó, ông đã gây lo ngại cho Trung Quốc.
Ông Vũ Đức Khanh cho là, Trung Quốc đã “âm thầm ủng hộ Lương Cường, một đồng minh cũ của Nguyễn Phú Trọng, và người có quan điểm giữ cho Việt Nam trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc”.
RFA dẫn kết luận của nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cho rằng, các lực lượng chính trị khác nhau trong hệ thống chính trị thượng tầng, cũng như cơ chế Tứ trụ, như được “thiết kế” trong Hiến pháp 2013 và Điều lệ Đảng năm 2011, đã khôi phục cơ chế Tứ trụ. Do đó, việc “nhất thể hóa” không được duy trì.
Tuy nhiên, chính trường Việt Nam từ nay đến Đại hội 14, và giai đoạn sau đó, có thể sẽ có nhiều biến đổi. Nhu cầu phát triển của Việt Nam có thể thúc đẩy những cải cách từng bước, để có một thể chế chính trị hiệu quả hơn.
Thu Phương – thoibao.de