Ngày 5/12, Blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận: “Tân quan tân chính sách với trường hợp Tô Lâm”.
Theo đó, tác giả cho biết, “Đốt lò” là một di sản khó khăn nhưng ông Tô Lâm đã không hề né tránh. Khi tiếp quản vai trò Tổng Bí thư, Tô Lâm đứng trước một di sản phức tạp và nặng nề từ người tiền nhiệm.
Tác giả dẫn lời Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ, nhận xét: “Ông Tô Lâm đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng, để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, và ông ấy sẽ không dừng lại”.
Tác giả cho biết thêm, ông Tô Lâm đã tiếp thu di sản “đốt lò” bằng cách mở rộng nó như một nền tảng để củng cố quyền lực của mình. Nhưng thay vì tập trung vào các vụ xử lý tham nhũng cá nhân, gần đây ông hô hào thêm công cuộc chống lãng phí.
Vòng luẩn quẩn mà Tô Lâm phải đối mặt nằm cả ở việc phải cân bằng giữa nội trị và ngoại giao. Ông nhận thức rõ, “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới, và nền văn minh nhân loại”.
Các đối tác toàn cầu của Việt Nam mong muốn Việt Nam đứng trong hàng ngũ của thế giới văn minh và tiến bộ. Từ góc độ này, việc kế thừa di sản “đốt lò” không chỉ là một trách nhiệm, mà còn là cơ hội để Tô Lâm định hình phong cách lãnh đạo riêng. Nếu giải quyết tốt, ông không chỉ củng cố vị thế cá nhân, mà còn xây dựng nền tảng chính trị vững chắc, tạo tiền đề cho những cải cách sâu rộng hơn trong tương lai.
Theo tác giả, 2 khẩu hiệu “tinh giản bộ máy” và “cải cách thể chế” không chỉ là những mục tiêu riêng rẽ, mà còn là 2 mặt của một chiến lược lớn hơn: xây dựng nền tảng quyền lực mang dấu ấn cá nhân để điều hướng một “kỷ nguyên Tô Lâm”.
Cải cách thể chế được xem là mục tiêu chiến lược dài hạn. Thay vì chỉ dừng lại ở các biện pháp hành chính, Tô Lâm đã thể hiện ý định tái cấu trúc sâu rộng hơn, nhắm đến các vấn đề cốt lõi như mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, cơ chế kiểm soát quyền lực, và vai trò của các tổ chức chính trị trong bối cảnh mới. Đây là một bước đi không chỉ nhằm củng cố quyền lực của ông, mà còn định hướng lại cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị.
Tác giả nhận định, dẫu sao, 2 động lực trên không hoàn toàn tách biệt. Chúng bổ trợ lẫn nhau trong một chiến lược lớn hơn của ông Tô Lâm. Tinh giảm bộ máy giúp ông thiết lập một hệ thống hành chính hiệu quả và trung thành, trong khi cải cách thể chế cung cấp các cơ chế mới để duy trì và củng cố quyền lực. Sự kết hợp này không chỉ giúp ông đạt được các mục tiêu chính trị ngắn hạn mà còn tạo nền tảng cho sự ổn định lâu dài.
Tham vọng xây dựng một “kỷ nguyên Tô Lâm” không hề dễ dàng. Ông phải đối mặt với sự phản đối từ các nhóm lợi ích trong nước, đặc biệt là những nhóm có liên hệ chặt chẽ với các lợi ích bên ngoài, trước hết là những phe phái chịu ảnh hưởng Trung Quốc. Sự can thiệp từ bên ngoài, cùng với áp lực nội bộ, đặt ra những thách thức lớn cho chiến lược tổng thể của ông.
Một trong những thách thức lớn, phải chăng cuộc cải cách Tổng Bí thư kêu gọi, vô hình chung đi ngược lại với nguyên tắc hoạt động của chế độ cộng sản xưa nay.
Tác giả kết luận, tham vọng của “Kỷ nguyên Tô Lâm”, nếu thành công, ông không chỉ củng cố quyền lực mà còn tạo ra một di sản chính trị lâu dài. Một hệ thống chính trị tái cấu trúc hiệu quả có thể giúp ông vượt qua các thách thức trước mắt và đảm bảo sự ổn định nội bộ. Tuy nhiên, cho đến đầu năm 2026, Tô Lâm vẫn khó có thể loại bỏ hoàn toàn các lực cản.
Liệu Tô Lâm có thể biến các thách thức thành cơ hội và định hình một kỷ nguyên mới cho chính trị Việt Nam? Câu trả lời sẽ rõ ràng tại Đại hội 14, nhưng những bước đi hiện tại của ông sẽ quyết định rất lớn đến kết quả cuối cùng ấy.
Minh Vũ – thoibao.de