Mới đây, báo Thanh Niên cho biết, chính quyền Hà Nội đang lấy ý kiến Dự thảo quyết định việc sử dụng xe gắn máy, xe thô sơ, để kinh doanh vận chuyển khách, chở hàng hóa, phải có thẻ hành nghề.
Đây là một đề xuất gây nhiều nghi vấn, về những toan tính của chính quyền Hà Nội, không biết, người đứng đầu chính quyền thành phố này – ông Trần Sỹ Thanh nghĩ gì khi cho nghiên cứu thực hiện đề tài này?
Trước đây, khi ông Đoàn Ngọc Hải làm Phó Chủ tịch quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, ông cho dẹp vỉa hè để làm cho vỉa hè thông thoáng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là chiêu mị dân, thực tế sau đó cho thấy, chính quyền bán quyền sử dụng vỉa hè để thu tiền.
Thông thường, khi chính quyền muốn vét tiền dân, thì họ ra chiêu mị dân trước. Tuy nhiên, giờ đây, Hà Nội tìm cách “vặt lông vịt” giới xe ôm một cách thẳng thừng.
Việc “lấy ý kiến dự thảo” của chính quyền Hà Nội, chính là bước ném đá dò đường. Nếu xã hội phản ứng mạnh mẽ, có thể, họ sẽ gác dự án này lại; còn nếu dư luận phản ứng không đủ mạnh, thì họ sẽ áp dụng vào thực tế.
Nhà cầm quyền đã từng lập ra các công ty xổ số kiến thiết, để vơ vét tiền dân, và bóc lột sức lao động của người nghèo, người già, người tàn tật, trẻ em vv…. làm giàu cho quan chức, thì việc họ tiếp tục bóc lột sức lao động của giới xe ôm nghèo, cũng là điều dễ hiểu. Họ luôn hô hào rằng “nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, và vì dân”. Đó chỉ là khẩu hiệu cửa miệng, che đậy cho việc họ sẵn sàng ra tay với dân nghèo mà thôi.
Năm 2017, Tiến sĩ kinh tế Vũ Đình Ánh – cựu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả, thuộc Bộ Tài Chính, đã phát biểu một câu làm dậy sóng mạng xã hội. Ông nói: “Thu thuế cũng như “vặt lông vịt”, đừng để kêu toáng lên”.
Lúc đó, cộng đồng đều lên án ông. Tuy nhiên, đáng lẽ phải lên án nhà nước, bởi ông Ánh chỉ nói lại theo ý chí của nhà nước, của giới chức lãnh đạo.
Thực tế, việc “vặt lông vịt” không chỉ là thu thuế một cách minh bạch, mà còn là rất nhiều các khoản thuế phí rất phi lí khác. Với giới xe ôm, họ là những người nghèo, thấp cổ bé họng, nên rõ ràng, việc “vặt lông vịt” đối với họ, làm sao họ có thể kêu và dám kêu?
Họ rất cần được xã hội hỗ trợ, phản ứng lại việc làm bất nhân này của chế độ Cộng sản.
Trước đó, ngày 29/11, báo chí nhà nước cho biết, chính quyền Hà Nội dự kiến xây nhà hát trị giá 10.000 tỷ đồng, trên mặt nước giữa Đầm Trị, ngay sát hồ Tây, thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Nhiều nhà phân tích đánh giá, đây là dự án chỉ phô trương sự hào nhoáng, chứ chẳng mang lại lợi ích gì cho dân. Dự án này dự kiến tốn đến 400 triệu đô la Mỹ – với số tiền này chính quyền có thể thực hiện được nhiều dự án khác, ích lợi cho dân hơn, chẳng hạn đầu tư vào bệnh viện, trường học, hay trợ giá cho học sinh trên toàn thành phố vv…
Nếu xã hội không phản ứng, có thể thời gian tới giới xe ôm Hà Nội sẽ khốn khổ. Họ kiếm không ra tiền, nhưng lại phải chi tiền để mua thứ giấy phép con này, rồi mới được hành nghề.
Ông Trần Sỹ Thanh là hạt giống đỏ, là cháu của ông Nguyễn Sinh Hùng – cựu Chủ tịch Quốc hội. Cuộc đời và sự nghiệp của ông Thanh quanh quẩn 2 chữ “cơ cấu”, nên làm sao ông có lòng trắc ẩn với giới cần lao?
Trong văn hóa chạy chức, ai khéo đội trên đạp dưới, thì sẽ được thăng chức. Với cấp trên thì nịnh bợ, quà cáp biếu xén để được thăng chức, với cấp dưới thì kênh kiệu, hách dịch, vắt cạn kiệt cả sức lực lẫn tiền bạc, để làm giàu và mua chức cao hơn. Còn với dân, họ sẽ tiếp tục “vặt lông vịt” không thương tiếc. Họ sẽ nhắm tới những thành phần thấp cổ bé họng, để dễ vặt.
Trần Sỹ Thanh – với vị trí Chủ tịch thành phố Hà Nội, khả năng cao sẽ vào Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ sau. Nhưng ông lên chức càng cao, thì dân sẽ càng khốn khổ hơn.
Trần Chương – Thoibao.de