Ngày 13/12, RFA Tiếng Việt nêu vấn đề “Đằng sau quyết định của sư Minh Tuệ rời bỏ đất nước để bộ hành qua Ấn Độ”.
Theo đó, 6 tháng sau khi đoàn bộ hành của sư Thích Minh Tuệ bị công an giải tán ở Thừa Thiên – Huế, vị hành giả này đã cùng một số đồng tu rời Việt Nam, một số người cho rằng, chính quyền đã “nhổ được cái gai trong mắt họ”.
RFA cho biết, hôm 12/12, sư Minh Tuệ cùng các sư khác, như Minh Tạng, Minh Trí, Chơn Trí, Minh Dược… được một số người đưa từ nơi trú ngụ ở tỉnh Gia Lai đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nằm ở biên giới Việt – Lào, để lên đường sang nước bạn.
Theo RFA, video của ông L.K.G, một Youtuber bộ hành du lịch nổi tiếng, đăng tải ngày 13/12 cho thấy, các vị tu sĩ này được một số người hỗ trợ làm thủ tục xuất cảnh ở biên giới.
Trước đó, ông này đã xin đồng hành hỗ trợ sư Minh Tuệ trên đường hành hương về đất Phật ở Ấn Độ, do đã có kinh nghiệm đi đường.
RFA dẫn nhận định của một Phật tử ở Sài Gòn, cho rằng, vị tu sĩ đầu trần chân đất xuất hiện như một bậc chân tu, đã làm lu mờ, cũng như gián tiếp vạch trần sự băng hoại của nhiều tu sĩ trong hệ thống Phật giáo nhà nước hiện nay. Ông nói:
“Những người có khả năng quy tụ được số đông quần chúng nhân dân, luôn là cái gai trong mắt của những chính quyền độc tài. Nên có lẽ sư Minh Tuệ không ngoại lệ.”
“Cho nên, có thể trong tối và ngoài sáng, người ta chọn giải pháp để ông tu tập bên ngoài Việt Nam là tốt nhất, đặc biệt qua năm tới, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak.”
RFA dẫn đánh giá của bà Thanh Nhàn, từ Nam California (Hoa Kỳ), cho rằng, ông không được tự do tu tập theo ý nguyện ở trong nước, và ông buộc phải chọn con đường ra nước ngoài, như một hình thức “tị nạn tôn giáo”.
Bà cho rằng, nguyên nhân sâu xa hơn, đó là tầm ảnh hưởng, sức thu hút của ông đối với quần chúng. Do vậy, chính quyền muốn nhổ đi cái gai trong mắt họ, bằng cách đưa ông qua nước khác. Bà nói:
“Rời khỏi Việt Nam, con đường tu tập của Thầy chắc sẽ dễ dàng hơn, và chắc Thầy cũng tiếp tục được giới truyền thông theo dõi, nếu vì vậy mà Thầy trở nên nổi tiếng, thì là một sự thiệt thòi lớn cho Việt Nam: Một vị chân tu không được đất nước của mình chấp nhận.”
RFA cũng cho biết, bà Thanh Nhàn là một người gốc Việt, luôn quan tâm đến chặng đường tu hành của sư Minh Tuệ.
RFA cũng dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Thanh Huy, từ Nha Trang, cho rằng, việc sư Minh Tuệ đi đến Ấn Độ là một điều tốt cho tâm nguyện của ông, và quyết định đó vẹn cả đôi đường, vì “nó cũng tháo gỡ được những khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh, giảm bớt áp lực cho xã hội trước những luồng dư luận”.
Trước đó, ngày 27/11, RFA loan tin “Sư Minh Tuệ bày tỏ mong muốn được bộ hành từ Việt Nam đến Ấn Độ”.
Tâm nguyện này được đăng tải trên trang web Thiên Định Tuệ, ngày 25/11, trong một bức thư tay. Nhà sư bày tỏ, muốn đến Ấn Độ “để đảnh lễ 4 thánh tích, để tập học và tri ân về Đức Phật”.
RFA cho biết thêm, trang web trên là của công ty do anh trai sư Minh Tuệ làm giám đốc.
Hôm 17/11, ông Minh Tuệ cũng viết giấy ủy quyền “toàn bộ quyền hạn của một công dân theo quy định pháp luật” cho ông Lê Anh Tuấn và công ty, để hoàn tất thủ tục pháp lý.
Vẫn theo RFA, có đến hơn 70 người đã tìm đến sư Minh Tuệ, tự nguyện bộ hành, tu tập theo ông, trước khi bị công an giải tán ở Huế.
Trong đoàn này có 2 sư Như Ngộ và Tâm Dũng đã bay đến Ấn Độ khoảng 10 ngày qua. Hai ông đã đến chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của Hòa thượng Hoàng Diệu tại bang Bihar, đông bắc Ấn Độ.
Ý Nhi – thoibao.de