Báo động các vụ tấn công hàng loạt gia tăng đáng kể tại Trung Quốc

Ngày 28/12, BBC Tiếng Việt có bài phóng sự: “Các vụ tấn công hàng loạt hé lộ giận dữ và bất mãn ở Trung Quốc”.

Theo đó, BBC cho hay, một bài viết với tựa đề “Người dân Trung Quốc quá khổ sở” đăng trên mạng xã hội, sau một vụ giết người hàng loạt khác xảy ra trong nước vào đầu năm nay. Tài khoản này cũng cảnh báo: “Sẽ ngày càng có nhiều vụ tấn công bắt chước các vụ này”.

Một người khác viết, “Thảm kịch này phản ánh một sự đen tối trong xã hội”.

Sau một loạt các vụ án mạng ở Trung Quốc trong năm 2024, những lời bình luận ảm đạm như thế này đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh điều gì đang thúc đẩy hành vi giết người hàng loạt để “trả thù xã hội”.

BBC dẫn lời ông David Schak, Phó giáo sư tại Đại học Griffith ở Úc, các cuộc tấn công như thế này vẫn còn hiếm so với dân số khổng lồ của Trung Quốc và không phải là mới. Nhưng chúng dường như xuất hiện theo đợt dưới hình thức bắt chước để thu hút sự chú ý.

Theo BBC, tình hình năm nay đặc biệt đáng lo ngại, với 63 người bị giết và 166 người bị thương.

Điều gì đã dẫn đến nhiều vụ tấn công hàng loạt như vậy ở Trung Quốc năm nay?

Theo BBC, một áp lực lớn ở Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế trì trệ. Đất nước này đang phải vật lộn với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, nợ nần chồng chất và cuộc khủng hoảng bất động sản, đã tiêu tốn tiền tiết kiệm của nhiều gia đình, đôi khi có người còn mất trắng.

Một phân tích chung quan trọng của Hoa Kỳ – Trung Quốc cho thấy người dân Trung Quốc, trong một thời gian dài, đã cho rằng bất bình đẳng trong xã hội thường là do thiếu nỗ lực hoặc khả năng, nhưng trong khảo sát mới đây thì lại cho thấy họ đang đổ lỗi cho một “hệ thống kinh tế bất công”.

Vẫn theo BBC, ở các quốc gia có truyền thông lành mạnh, nếu bạn cảm thấy mình bị sa thải một cách bất công, hoặc nhà của bạn bị đánh sập bởi các nhà thầu tham nhũng được các quan chức địa phương hậu thuẫn, bạn có thể tìm đến các nhà báo để chia sẻ câu chuyện của bạn.

Nhưng điều đó hiếm khi làm được ở Trung Quốc, nơi báo chí bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản, và không có khả năng đăng tải những câu chuyện phản ánh tiêu cực về bất kỳ cấp độ nào của chính phủ.

BBC cũng cho hay, Các tòa án – cũng là cơ quan do đảng điều hành và phục vụ cho đảng, vốn chậm chạp và kém hiệu quả.

BBC dẫn lời Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto Lynette Ong – người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về cách nhà nước Trung Quốc phản ứng với sự phản kháng trên mạng của người dân, cho biết:

Có rất nhiều ví dụ: Tăng cường kiểm duyệt trên mạng, chặn các từ hoặc các diễn đạt được cho là gây tranh cãi hoặc mang tính chỉ trích; cấm cửa các trang phục Halloween táo bạo chế giễu chính quyền; hoặc khi những người đàn ông mặc thường phục, dường như được huy động bởi các quan chức địa phương, đánh đập những người biểu tình bên ngoài các ngân hàng đã đóng băng tài khoản của họ ở tỉnh Hà Nam.

BBC cho biết, điều mà Đảng Cộng sản nên lo lắng là những bình luận từ công chúng đổ lỗi cho chính quyền trong việc này.

Mặc dù các cuộc tấn công bạo lực đang gia tăng ở nhiều quốc gia, theo Giáo sư Ong, sự khác biệt ở Trung Quốc là các quan chức ít có kinh nghiệm đối phó với chúng.

“Tôi nghĩ rằng các nhà chức trách rất lo lắng vì họ chưa từng thấy điều này trước đây, và phản xạ của họ là ra tay đàn áp”, bà Ong nhận định.

BBC cho biết thêm, tuy nhiên, cho đến nay, những bài học rút ra dường như đã dẫn đến một nỗ lực tăng cường năng lực phản ứng nhanh của cảnh sát, thông qua tăng cường giám sát, thay vì tính đến việc thay đổi cách thức điều hành đất nước.

 

Thu Phương – thoibao.de