Ngày 7/2, Blog Thiên Hạ Luận trên VOA có bài bình luận: “Bay lên và… bay luôn!”.
Theo đó, tác giả cho hay, năm nay, “Ngày thơ Việt Nam” (sự kiện thường niên diễn ra vào Rằm tháng Giêng âm lịch) sẽ được tổ chức ở thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình, chứ không diễn ra tại Hà Nội như 22 năm vừa qua.
Dư luận đã dấy lên thành bão sau khi Hội Nhà văn Việt Nam trịnh trọng thông báo, chủ đề của “Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23” là “Tổ quốc bay lên” nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 135 năm ngày sinh ông Hồ Chí Minh và 50 năm thống nhất đất nước…
Theo tác giả, có thể vì “bay lên” vừa mới là đề tài thời sự khiến dư luận dấy lên thành bão. Tháng trước, báo Hưng Yên đăng một bài thơ có tựa là “Hưng Yên bay lên” do bà Vi Thùy Linh sáng tác. Bài thơ làm công chúng phát sốt. Và để hạ sốt, báo Hưng Yên đã “tự ý đục bỏ” bài thơ này ra khỏi website của họ.
Tác giả châm biếm, cũng có thể vì vậy mà BBC tiếng Việt khái quát sự kiện “Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23” là “Đến lượt tổ quốc bay lên”.
Chỉ trong vòng ít giờ đã có hàng ngàn độc giả chọn hàng trăm độc giả phản hồi trên trang facebook của BBC tiếng Việt với những nhận định kiểu như Duc Tien Nguyen: “Có mà bay hết ngân sách! Dân chúng bay sạch tiền vàng, chỉ đám tham quan là giàu!”.
Hay buột miệng “rủa” như Songoku Nguyễn: “Chỉ có một số thứ như khói, bụi,… mới bay lên. Duyệt khẩu hiệu ‘Tổ quốc bay lên’ chứng tỏ đám nào đó ăn nhang để sống rồi! Cũng có những người nửa đùa, nửa thật như Thien To Dinh: Vươn mình thì phải bay, không lẽ nằm … hoài”.
Hoặc thắc mắc như Vũ Tuấn Hưng: “Ngả nghiêng như tre, đứng còn chả vững thì bay làm sao? Rụt rè như Triệu Đuôi Bò: Mình ở dưới đất thôi! Đề nghị như Khoa Tiên Sinh: Gom lại hết bay lên và bay đi luôn dùm”.
Lần tìm vào trang Facebook của Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả phát hiện có những người chẳng ngần ngại bỡn cợt, như Nguyễn Kỳ Phong bình luận: “Hải Phòng bay. Hưng Yên bay. Giờ bỏ qua giai đoạn các tỉnh lần lượt bay, tiến thẳng tới Tổ Quốc bay lên luôn?”.
Hoặc bày tỏ sự “lo âu” như Ongbal Lê: “Nhỡ tổ quốc bay mất thì sao?”.
Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều người trước ý tưởng “Tổ quốc bay lên” thành ra mới có không ít người nhắn như Lê Hậu: “Này! Mấy ông có muốn bay đi đâu thì cứ việc. Làm ơn để tổ quốc của tui lại dùm. Xin cám ơn!”.
Hoặc can ngăn như Phạm Văn Chính: “Lạy mấy cụ, tổ quốc bay lên, động đất, động mồ, động mả, chết đó. Hay nhắc khéo như Lương Trường Sơn: “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân” – bay từ độ Tố Hữu bay tới tận bây giờ. Bay mãi rồi cũng mệt nhỉ?”.
Tác giả đặt biệt chú ý đến lời tâm tình của Nguyễn Quốc Chính: “Gã khờ nghe câu “Tổ quốc bay lên” mà thấy nó cao quá, xa quá, chẳng chạm được vào thực tế đang níu chân biết bao phận người. Bay thế nào, bay đến đâu khi dưới mặt đất vẫn còn bao đứa trẻ co ro trong giá rét, bụng đói mà mắt vẫn sáng lên vì một giấc mơ nhỏ nhoi? Khi có những mái nhà vẫn dột nát, những con đường đến lớp vẫn lầy lội bùn đất và những tiếng cười của trẻ con bị át đi bởi tiếng gió hun hút lạnh lẽo? Bay lên bằng gì? Bằng những câu chữ hào nhoáng? Bằng những khẩu hiệu mỹ miều? Hay bằng chính đôi cánh rã rời của những người vẫn đang nhọc nhằn mưu sinh mà chẳng dám mơ cao xa?”
“Gã khờ không ghét những giấc mơ lớn nhưng nếu mơ, hãy mơ sao cho có đất mà đứng, có đường mà đi. Hãy nghĩ đến những bàn chân trẻ nhỏ nứt nẻ trên nền đất lạnh, đến những mái trường vùng cao chưa đủ ấm, đến những bàn tay gầy guộc của mẹ cha vẫn chắt chiu từng bữa cơm. Tổ quốc muốn bay lên thì trước hết phải nâng được những phận đời còn chới với. Bay lên nhưng đừng để người ở dưới phải cúi đầu nhìn theo mà lòng trống rỗng. Bay lên nhưng đừng bỏ lại ai phía sau”.
Ý Nhi – thoibao.de