Ngày 11/2, RFA đăng bình luận của Trung Khang: “Gia tộc Nguyễn Tấn Dũng: ông Trọng nhổ cỏ quên nhổ rễ”.
Theo đó, tác giả cho biết, trước khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tiếp giữ cương vị Tổng Bí thư trong 3 nhiệm kỳ, thì cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới là nhân vật quyền lực số 1, từ Đại hội 12 trở về trước.
Bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng vào năm 2006, vị chính trị gia người Cà Mau cầm quyền tổng cộng 10 năm, và để lại vô số hệ lụy.
Hình ảnh của ông gắn liền với chủ trương vực dậy nền kinh tế Việt Nam qua việc thành lập 20 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, coi đó là những quả đấm thép để thúc đẩy Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên “những quả đấm thép” này, thay vì biến Việt Nam trở thành “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” như chính quyền đề ra, đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD. Trong số này không ít được cho là đã vào túi riêng của các “nhóm lợi ích” dưới trướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tác giả cho biết thêm, dưới thời ông Dũng, thuật ngữ lợi ích nhóm cũng bắt đầu được sử dụng rộng rãi, để chỉ sự cấu kết của các phe nhóm trong chế độ, nhằm mục đích trục lợi.
Chính quyền Việt Nam đã phải giải chi hàng tỉ đô la để xử lý số “nợ xấu” do các tập đoàn và tổng công ty gây ra.
Tác giả dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cho biết, ông Dũng dung dưỡng cho những tập đoàn công nghiệp và hàng hải làm ăn thua lỗ. Họ quy kết ông Dũng làm cho kinh tế Việt Nam tổn thất, đây là điều có thật.
Ngoài chính sách kinh tế, Thủ tướng Dũng còn dùng quyền lực để gây ảnh hưởng ngày càng lớn lên Ban Chấp hành Trung ương.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, ảnh hưởng của ông Dũng đối với Bộ Quốc phòng, và đặc biệt là Bộ Công an (nơi ông trước đây từng giữ chức Thứ trưởng) cũng mang lại cho ông nhiều lợi thế, bởi vì các đại diện xuất thân hoặc đến từ 2 bộ này, chiếm tới gần 15% số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
Tác giả nhắc lại, tại hội nghị trung ương cuối cùng trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 1/2016, ông Trọng đã chính thức ép được ông Dũng phải dừng bước.
Sau đại hội 12, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhổ hết những chân rết còn lại của Nguyễn Tấn Dũng, như ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và một loạt quan chức của ngành công an, rồi một loạt các Bộ trưởng như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…
Tổng cộng, hơn chục ủy viên trung ương, và ủy viên bộ chính trị đã ngã ngựa, dưới thời ông Trọng giai đoạn từ năm 2016 đến 2021.
Theo tác giả, sau nhiều năm vắng bóng trên chính trường, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có màn trở lại không thể ngoạn mục hơn. Ông được Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Sao Vàng hôm 20/1.
Cũng dưới triều đại Tô Lâm, con trai lớn của ông Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Thanh Nghị được cho giữ chức Phó Bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được được cho là bước đệm cần thiết để vào Bộ Chính trị sau này.
Ông Nguyễn Khắc Mai nhận định:
“2 người con của ông Dũng, đang đi theo con đường chính trị, mà lại có được sự phù trợ của Tổng Bí thư Tô Lâm, thì tôi tin rằng họ khác hẳn dưới trướng Nguyễn Phú Trọng. Ông Nguyễn Phú Trọng ghét cay, ghét đắng gia đình Nguyễn Tấn Dũng, với ông Tô Lâm thì không. Hy vọng hai anh em nhờ có trí tuệ, học hành ở phương Tây, biết điều phải chăng, tạo điều kiện để cho đất nước phát triển một cách lành mạnh”.
Tác giả dẫn bình luận của luật sư Nguyễn Văn Đài, cho rằng, việc không loại ra khỏi hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, để cho 2 người con trai của ông Dũng một người vẫn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, sau này ra làm bộ trưởng bộ xây dựng, và người con thứ 2 vẫn tiếp tục giữ chức Bí thư Trung ương đoàn, đó là những sai lầm trong sự nghiệp của Nguyễn Phú Trọng.
Xuân Hưng – thoibao.de