Người Việt Nam có câu “30 chưa phải là tết”. Trong bóng đá, người ta vẫn hay kỳ vọng điều bất ngờ ở phút 90 và thậm chí bất ngờ ngay cả phút bù giờ. Cho nên, Hội nghị Trung ương cận đại hội vẫn chưa thể quyết định 100% nhân sự đại hội. Có thể sẽ có bất ngờ.
Ông Nguyễn Phú Trọng mất, Tô Lâm thay thế và đương nhiên ông Tô Lâm cũng nắm luôn chức Trưởng Tiểu ban nhân sự đại hội. Tiểu ban này rất quyền lực. Đây là bộ lọc chọn ai bỏ ai cho nhân sự đại hội. Với nhân sự cấp ủy viên Trung ương, Tô Lâm can thiệp dễ dàng, nhưng với nhân sự cấp ủy viên Bộ Chính trị, Tô Lâm can thiệp khó hơn. Muốn can thiệp, Tô Lâm cần tập hợp lực lượng ủng hộ đủ mạnh và có đủ lý do chính đáng.
Hội nghị Trung ương lần thứ 11 hồi đầu tháng, ông Phan Văn Giang được cơ cấu ghế Chủ tịch nước, Đại tướng Nguyễn Tân Cương được cơ cấu vào Bộ Chính trị. Xem như tướng Cương nắm trong tay 90% cơ hội làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nếu nói Tướng Lương Tam Quang là chỗ dựa cho quyền lực Tô Lâm thì tướng Nguyễn Tân Cương khi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng có vai trò tương tự như tướng Lương Tam quang. Cuộc chiến Tô-Giang đang bắt đầu hình thành.
Với chức Trưởng tiểu ban nhân sự, Tô Lâm vẫn không thể ngăng được đường tiến của Phan Văn Giang và Nguyễn Tân Cương. Vẫn còn 8 tháng để Tô Lâm thực hiện kế hoạch ngăn cản. Tuy nhiên, lấy lý do gì để ngăn cản tướng Nguyễn Tân Cương lên nắm chức bộ trưởng vẫn là một bài toán khó mà Tô Lâm cần phải giải trong vòng 8 tháng ngắn ngủi.
Việc loại bỏ tướng Cương ra khỏi danh sách được cơ cấu gần như là nhiệm vụ bất khả thi, cho dù đó là Tô Lâm đầy quyền lực. Bởi nếu muốn loại người, phải có lý do chính đáng, chẳng hạn như “hồ sơ đen”. Tuy nhiên, luật bao lâu nay không cho Công an điều tra Quốc phòng. Cho nên vị trí của tướng Cương ở Đại hội 14 là khá chắc chắn.
Nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Quốc phòng có đến 2 Ủy viên Bộ Chính trị. Ban đầu cũng dự trù chỉ có Lương Cường nhưng sau đó có thêm Phan Văn Giang chen vào và cướp lấy chức Bộ trưởng ngay trước mũi Lương Cường.
Đây chính là một tiền lệ để Tô Lâm có thể lấy đó mẫu. Nó tương tự như một loại “án lệ”. Muốn lấy chức bộ trưởng về cho nhóm Hưng Yên thì chỉ có thể nhét thêm một tướng Hưng Yên nữa vào Bộ Chính trị và chiến với Nguyễn Tân cương. Người đó có thể là Hoàng Xuân Chiến hoặc Nguyễn Hồng Thái.
Con đường xây dựng hệ sinh thái quyền lực của ông Phan Văn Giang đang hình thành. Định hướng đã rõ và cũng gần đạt kết quả. Chỉ cần duy trì thực trạng này thêm 8 tháng nữa thì thế trận sẽ thay đổi. Tuy nhiên, cầm cự trong vòng 8 tháng là một thử thách không nhỏ. Với quyền lực vượt trội, chưa biết Tô Lâm sẽ tung thêm chiêu trò gì mới.
Muốn giữ thế độc tôn trên chính trường, phải đủ gian, đủ mưu để không cho bất kỳ nhóm lợi ích chính trị nào khác có thể lớn mạnh. Nhóm Phan Văn Giang đang có ý đồ, nếu Tô Lâm không triệt thì “hậu hoạn khó lường”.
Để có thể ngồi ghế hơn giới hạn 2 nhiệm kỳ, thì Tô Lâm có thể học hỏi Nguyễn Phú Trọng. Từ sau khi hạ Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng không để cho bất kỳ một người nào có thể xây dựng bè cánh lớn mạnh thành đối thủ ngang tài ngang sức với ông. Không biết, liệu Tô Lâm có đủ bản lĩnh như ông Trọng hay không? Nếu để tướng Giang thực hiện ý đồ thành công, Tô Lâm xem như thất bại một phần.
Muốn theo đuổi quyền lực đến cùng, Phan Văn Giang phải vào Tứ trụ và nắm Bộ Quốc phòng. Vì vào Tứ trụ mới có thể hưởng suất đặc biệt để tiếp tục cuộc chơi, nắm chắc Bộ Quốc phòng mới an tâm không bị ai bứng. Tuy nhiên, đấy là một thử thách không nhỏ cho ông Bộ trưởng. Con đường quyền lực của Phan Văn Giang vẫn đang rất bấp bênh.
Thái Hà -Thoibao.de