Miếng ngon khó cưỡng, vì sao Nguyễn Duy Ngọc nhắm vào Bùi Thị Minh Hoài?

Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, theo dự tính, ông Nguyễn Duy Ngọc sẽ về nắm chức Bí thư thành ủy Thành Phố Hà Nội. Ý đồ này đã được giới thạo tin cung đình tung ra hồi đầu năm nay. Ông Nguyễn Duy Ngọc được bổ nhiệm vào ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ là cách bố trí tạm thời của Tô Lâm, mục đích là kết thúc trò “một mông 2 ghế” của Trần Cẩm Tú. Hơn nữa, ông Tô Lâm cũng muốn Nguyễn Duy Ngọc lấy lý do là người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương xâm nhập vào Bộ Quốc Phòng moi ra sai phạm của nhóm Phan Văn Giang.

Hồi Tháng 2, ông Nguyễn Duy Ngọc được Tô Lâm trao cho chức Trưởng đoàn kiểm tra số 1913 với mục đích là kiểm tra Quân Ủy Trung ương. Không biết ông Nguyễn Duy Ngọc đã kiểm tra như thế nào mà Phan Văn Giang vẫn không bị dính phốt. Đến Hội nghị Trung ương 11, ông Phan Văn Giang không những không bị loại mà còn được cơ cấu vào ghế Chủ tịch nước cho nhiệm kỳ sau đồng thời đàn em của ông Giang-Tướng Nguyễn Tân Cương được cơ cấu vào Bộ Chính trị khiến cho phe Hưng Yên trong quân đội gần như bị đóng sập cửa nắm chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Có thể nói, việc dùng Nguyễn Duy Ngọc như là công cụ tấn công vào phe Phan Văn Giang gần như thất bại. Xem ra phe Hưng Yên trong quân đội không thể đánh bại được phe Phan Văn Giang. Cuộc chơi gần như đã an bài.

Ngồi ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tuy là có quyền uy thật vì nó thừa hành mệnh lệnh của Tô Lâm. Tuy nhiên, ngồi ở ghế này không bằng ghế Bộ trưởng Bộ Công an về quyền lực vẫn quyền lợi kinh tế. Bộ Công An mỗi năm được nhận ngân sách trên 5 tỷ đô la Mỹ, rất béo bở. Xem ra Nguyễn Duy Ngọc đang được Tô Lâm ưu ái nhưng là vị trí số 2 không phải số 1 như Lương Tam Quang.

Muốn có cơ hội lớn vào Tứ trụ và cũng kiếm được nhiều thì vị trí Bí thư Thành Ủy Thành Phố Hà Nội là béo bở nhất. Chỉ có đứng đầu thành phố này thì mới điều khiển được một nguồn ngân sách khổng lồ, tha hồ “đánh chén”.

Hiện nay ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội đang là miếng mồi ngon, thu hút sự chú ý đối với Nguyễn Duy Ngọc. Sau khi thất bại trong việc hạ bệ phe Phan Văn Giang, ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương không cần phải giao cho Nguyễn Duy Ngọc. Tô Lâm cần Nguyễn Duy Ngọc nắm một vùng kinh tế lớn, mục đích là dùng tiền để xây dựng sức mạnh cho phe Hưng Yên.

Phe Hưng Yên chắc chắn sẽ còn mở rộng thêm. Nếu không dùng sức mạnh chính trị kết hợp với sức mạnh kinh tế thì khó mà giữ phong độ lâu dài cho phe phái của mình. Nhìn Nguyễn Tấn Dũng thì sẽ biết, với sức mạnh kinh tế vượt trội, ông đầu tư chính trị rộng khắp, dù bị Nguyễn Phú Trọng ra sức đánh phá nhưng không xuể, quyền lực của ông hồi sinh nhanh chóng sau khi ông Trọng chết đi.

Bà Bùi Thị Minh Hoài được cho là “vô tình nhặt được bí kíp”. Khi Bộ Chính trị khủng hoảng nhân sự, họ chọn đại bà thay thế Đinh Tiến Dũng. Một chiếc ghế nắm một vùng kinh tế rộng lớn và cơ hội tiến thân rộng mở lại vô tình rơi vào tay phụ nữ. Vì là phụ nữ “võ công kém” nên bà Hoài khó mà giữ được “bí kíp”. Khả năng cao bà phải trao lại nó cho Nguyễn Duy Ngọc chấp nhận đổi chỗ để đổi lấy sự an toàn chính trị cho bản thân.

Về phần Nguyễn Duy Ngọc, nếu về Hà Nội, ông có cơ hội kiếm chác nhiều hơn, có cơ hội đầu tư chính trị cho riêng mình, và có cơ hội tách khỏi cái bóng quá lớn của Tô Lâm. Đã vào Bộ Chính trị, và đang là người có tiếng nói lớn, ắt Nguyễn Duy Ngọc cũng tính toán khả năng tự làm chủ cuộc chơi trong tương lai. Không lẽ chấp nhận phận làm công cụ mãi?

Trần Chương -Thoibao.de