Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện. Cán bộ dư dôi rất nhiều. Cán bộ tỉnh, cán bộ huyện đều có thể được bố trí về xã. Điều này có thể sẽ gây ra những cuộc tranh giành quyền lực gay gắt ở cấp xã. Ít ai chịu về “tái hòa nhập cộng đồng”, bởi những chiêu trò như hạch sách, làm khó dân để moi tiền không còn tác dụng gì khi đã mất quyền lực. Vậy nên, đi kèm với chính sách tinh gọn là hiện tượng tranh ăn ở cấp xã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Thời gian vừa qua, báo chí nhà nước đã được lệnh mở hết công suất để nêu gương những ai tự nguyện nghỉ hưu sớm nhằm khuyến khích số người rời bỏ chức vụ về hưu. Tuy nhiên, số này không đáng bao nhiêu, hầu hết họ chấp nhận giáng chức thật sâu, có thể từ tỉnh cho bố trí về xã họ vẫn chấp nhận. Thà chức nhỏ kiếm nhiều tiền còn hơn thành người vô dụng.
Đại Biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) đã có đề xuất rằng, mỗi tỉnh cần có ít nhất một khu công nghiệp tập trung để thu hút, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư.
Ông Hận giải thích rằng: “Một số lượng lớn công chức, cán bộ không chuyên trách sau nhiều năm gắn bó với bộ máy nhà nước phải nghỉ việc, đang loay hoay tìm hướng đi mới, gặp không ít khó khăn trong việc tái hòa nhập thị trường lao động”.
Bao lâu nay bộ máy này nuôi quá nhiều thành phần “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”, giờ Tô Lâm thực hiện một cuộc đại phẫu cắt bỏ thì bộ máy nháo nhào lên không biết xử lý thành phần dư thừa này như thế nào.
Chính sách của Tô Lâm không tính đến những hệ quả. Việc của Tô Lâm là gọt Đảng cho thật gọn để nhét vào cái rọ quyền lực do mình bày ra. Mục đích là giúp nho thế lực Hưng Yên có thể kiểm soát được Đảng.
Vẫn nhân sự đó, vẫn cơ chế đó thì dù có tinh gọn thế nào thì cũng chẳng thể nào giải được bài toán bội chi. Quan chức bất tài, tham lam cộng với cơ chế thiếu minh bạch, họ sẽ phá ngân sách bằng những chính sách không hiệu quả. Làm chính sách chủ yếu là tạo dấu ấn và tìm kiếm tiền lại quả chứ chẳng mấy ai có thiện chí và có đủ năng lực để ra được chính sách ích nước lợi dân.
Đâu phải bây giờ Chính quyền Cộng Sản mới ra chính sách “khắc nhập”. Trong quá khứ, họ đã “khắc xuất” rồi “khắc nhập” nhiều lần nhưng bộ máy chẳng tinh gọn được, chẳng hiệu quả hơn. Vẫn thể chế cũ, vẫn con người cũ thì dù khắc xuất hay khắc nhập cũng chỉ là chữa triệu chứng, không chữa được tận gốc căn bệnh lãng phí.
Việc Tô Lâm ra chính sách này chủ yếu là để gọt bớt những thành phần không vừa mắt. Tạo ra sự khan hiếm quyền lực để đẩy giá chạy chức lên cao. Đây mới là kênh thu nhập lớn cho những ai đang giữ trong tay quyền “bán chức”.
Quốc hội đem chính sách Tô Lâm ra bàn, các đại biểu đưa ra rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Tuy nhiên, khi Tô Lâm đã quyết thì không ai được bàn lùi. Dù muốn hay không muốn, tất cả đều phải chấp nhận luật chơi của Tô Lâm.
Hậu khắc nhập là trật tự mới giữa các phe phái trên bàn cờ chính trị. Đó mới là ý đồ của Tô Lâm. Riêng Sài Gòn và Hà Nội, Tô Lâm và Nguyễn Tấn Dũng chia nhau hùng cứ. Ngoài ra, các tỉnh sau khi sáp nhập cũng được bố trí lại nhân sự mới. Lúc đó phe Tô Lâm có cơ hội chiếm những tỉnh giàu. Ví dụ như Vũ Hồng Văn nắm Đồng Nai mới (gồm Đồng Nai cũ và Bình Phước).
Có vẻ như cả Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hiện nay không thể phủ quyết được quyết định của Tô Lâm. Đảng Cộng Sản đang trở thành công cụ của Tổng bí thư đầy tham vọng này.
Hoàng Phúc -Thoibao.de