Tham vọng T. Lâm và thử thách vượt qua “lời nguyền”!

Hiện nay cả hệ thống báo chí được bật đèn xanh ca tụng 4 Nghị Quyết của Bộ Chính trị. Nghị Quyết còn trên giấy nhưng báo chí đã ca ngợi về một tương lai đất nước Việt Nam sẽ cất cánh. 

Với bốn nghị quyết này, Tô Lâm đặt mục tiêu rất tham vọng. Ông sẽ dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. 

Xem ra mục tiêu này không khác mấy Nghị Quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012. Mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành theo hướng hiện đại vào năm 2020. Kết quả thì đã hoàn toàn thất bại.

Lần này Tô Lâm cho ra đời 4 Nghị Quyết và đặt mục tiêu tương tự nhưng với thời hạn dài hơn. Sau 20 năm.

4 Nghị quyết bao gồm: Nghị quyết 66, Nghị Quyết 57, Nghị Quyết 59, và Nghị Quyết 68. Trong đó, 

Nghị Quyết 66 mục đích hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân; Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới; Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực; Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế.

Ông Tô Lâm lý giải rằng: “Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết 66), thì kinh tế tư nhân khó phát triển (Nghị quyết 68), khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả (Nghị quyết 59)”.

Như vậy, Nghị Quyết 66 là nền tảng, nếu Nghị quyết này không thành công thì tất cả đều phá sản. Vậy, liệu rằng Tô Lâm có thực hiện thành công Nghị quyết 66 hay không? Câu trả lời là rất khó, nếu không muốn nói là không thể.

Vấn đề minh bạch không chỉ đơn giản là viết lại luật, chỉnh sửa luật mà có cần thực hiện cải cách sâu hơn, toàn diện hơn. Nó động chạm đến thể chế chính trị. 

Sẽ không có minh bạch khi mà các cơ quan tố tụng vẫn hoạt động theo mệnh lệnh của một ông chủ. Ông Chủ đó là Đảng Cộng Sản. Lập pháp của Đảng Cộng Sản, hành pháp của Đảng Cộng Sản, tư pháp của Đảng Cộng Sản. Đó là vì sao quan chức làm thiệt hại ngàn tỷ thì hưởng án treo còn dân ăn cắp con vịt bị kêu án 7 năm. 

Không phải đến bây giờ Tô Lâm mới hiểu thể chế này vốn dĩ không minh bạch. Điều này đã được người dân chỉ ra từ lâu nhưng Đảng Cộng Sản vẫn không sửa được. Bởi nếu sửa tận gốc thì động đến thể chế chính trị chứ không đơn giản là chỉ sửa lỗi một cách manh múm.

Thiếu minh bạch nên quan chức mới có cơ hội trục lợi. Vì thiếu minh bạch nên lợi ích nhóm mới có đất sống và phát triển ngày một quy mô hơn. Nếu minh bạch thì các sân sau như Tập đoàn Xuân Cầu của Tô Dũng có còn được hưởng những ưu đãi lớn hay không? 

Năm 1999, tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh-người từng giúp Nguyễn Văn Linh cải cách, đã từng trả lời một hãng Thông tấn lớn trên thế giới rằng, chương trình đổi mới kinh tế đã gặp bế tắc, và đảng cộng sản đương quyền nên dành cho những người không phải là đảng viên những chức vụ cao cấp trong nước.

Mở cửa cho thành phần ngoài Đảng tham gia quản lý đất nước là chấp nhận một thể chế chính trị mới, một thể chế chính trị làm sân chơi công bằng cho nhiều đảng phái và có cả quyền được tham gia của người không đảng phái.

Ba nhà kinh tế đồng sở hữu giải Nobel Kinh tế năm 2024 là Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson đã khẳng định rằng “thể chế chính trị ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của quốc gia”. Thật ra cả 3 nhà kinh tế nổi tiếng này khẳng định không khác mấy ý của tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh trước đó 25 năm.

Có thể xem nhận xét của tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh như là một “lời nguyền” dành cho Đảng Cộng Sản, nếu không phá bỏ thể chế chính trị hiện hành, họ sẽ chẳng thể nào vượt qua được lời nguyền ấy. 

Hoàng Phúc-Thoibao.de