Chưa trưởng thành:
Theo cách đếm tuổi của VN, nền bào chí Cách mạng VN đã rất già, tới 93 tuổi. Với lực lượng hơn 22.000 hội viên hội nhà báo, hơn 18.000 người có thẻ nhà báo , 850 cơ quan báo chí, phải thừa nhận là hùng hậu về số lượng nhưng qua sự đánh giá của tiêu chí quốc tế thì đó lại là nền báo chí có chất lượng đứng trong hàng ngũ tệ nhất thế giới.
Phải tuân thủ sự chỉ đạo của đảng và chính phủ cùng hệ thống quan chức khổng lồ, báo chí VN luôn phải chịu “một cổ nhiều tròng”, bóp méo thông tin về sự thật chỉ để phục vụ cho lợi ích của những tầng lớp có quyền lực và tiền bạc trong xã hội. Khi báo chí bị buộc phải theo lợi ích của một nhóm độc tài, đương nhiên đã xa rời lợi ích chung của công chúng.
Để được gọi là nền “báo chí cách mạng” (BCCM)– một sự thiên lệch về tiêu chuẩn và mục tiêu – tức là không có chỗ đứng cho “báo chi không cách mạng”. Cuộc cách mạng long trời lở đất khiến bao nhiêu triệu người VN áo rách bọc xương phơi ngoài trận mạc hoặc trong Cải cách ruộng đất đã qua mấy chục năm rồi, mà vẫn còn lấy tiêu chí Cách mạng, rõ ràng nghe rất sắt máu và không hợp lý.
Tác hại cơ bản của hiện trạng này dẫn tới việc báo chí đâ không thể thúc đẩy bổn phận chịu trách nhiệm của cơ quan công quyền và tính minh bạch xã hội. Do đó BCCM đánh mất khả năng giám sát chính quyền của công chúng qua tự do ngôn luận. trong việc ngăn ngừa tham nhũng, lừa đảo và mỵ dân chính trị hoặc chống tội phạm và các tội phá hoại ổn định xã hội, nhất là khi thủ phạm lại là các nhân vật có quyền thế.
Vì thế tình trạng tham nhũng bất ổn trong xã hội ngày càng tăng. Dân khắp nơi bị cướp đất, bị công an bảo kê cho doanh nghiệp hành hung dân để cướp đất dân. Quan chức đồng nghĩa với tham nhũng và lạm quyền.. Gần đây nhất, với hai dự luật 3 Đặc khu(tạm hoãn vì dân phản đối dữ dội) và Luật An ninh mạng(đã thông qua) tạo ra làn sóng công phẫn chưa từng có trong xã hội, biểu tình xẩy ra khắp nhiều nơi và xẩy ra nhiều cuộc đàn áp dân như đàn áp kẻ thù. Các nhà đầu tư ngoại thấy nguy cơ đe dọa việc làm ăn của họ liền bán tháo. Ngay vài giờ sau khi Luật ANM được QH bấm nút thông qua, thị trường chứng khoán VN đã sụt giảm gần 4 tỉ USD và từ đó đến nay đã 6 ngày liền 6 phiên sụt giảm, mất đi 198 nghìn tỉ đồng, tương đương 8,6 tỉ USD.
Mặc dù nhà cầm quyền tự đánh giá là nền BCVN lớn mạnh chưa từng có, nhưng liên tục nhiều năm nay và cả năm 2018, Tổ chức Phóng viên không biên giới vẫn xếp VN là nước không có tự do báo chí (https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/to-chuc-khong-bien-gioi-viet-nam-tiep-tuc-khong-co-tu-do-bao-chi). Nhiều năm qua, Bản phúc trình của Freedom Hous cũng xếp hạng VN không có tự do Interrnet.(https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/freedom-on-the-net-2017-freedom-house-report-ha-11142017154836.html ).
Như vậy, nền BCCM càng đông về số lượng thì càng đi ngược lại với tự do báo chí và tự do thông tin theo tiêu chuẩn của thế giới.
*“Báo chí cách mạng”VN ở hải ngoại:
Các nhà báo quốc nội chịu o ép đã đành thường xuyên phải bóp méo nghề báo, từ bỏ trách nhiệm làm một nhà báo chân chính tại là một sự khốn khổ chẳng ai muốn chứ không phải không hiểu công lý và lẽ phải.
Nhiều nhà báo luôn hổ thẹn với lương tâm và công chúng. Họ mơ có một ngày được ra nước ngoài, ở những nước hàng đầu về tự do dân chủ và nhân quyền để được làm báo thực sự, mong giúp ích cho xã hội. Họ khát khao đời tự do của những nhà báo Việt kiều, đặc biệt là ở Đức.
Đồng bào VN mong các nhà báo và những đồng hương của họ ở hải ngoại hãy chia sớt cho họ nền tự do, đặc biệt là tự do báo chí. Cách thức chẳng nặng nhọc, nguy hiểm gì, chỉ là lên tiếng ủng hộ công lý nhưng rất nhiều người VN ra đi từ nền BCCM hầu như không làm nghĩa vụ này với đồng bào .
Thật xót xa khi dân oan nơi nơi quằn quại kêu thương , những người dùng Facebook ở hải ngoại biết mà hầu hết giữ thái độ vô cảm. Khi nhà cầm quyền làm sai, vi phạm pháp luật hoặc tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tổn hại đến đất nước, đồngg bào quốc nội mong mỏi chờ trông biết mấy những Việt kiều –chí ít những nhà báo và văn nghệ sĩ, doanh nhân, trí thức lên tiếng giùm họ, như cách các công dân trên thế giới vẫn lên tiếng đấu tranh chống chiến tranh ở Trung Đông hoặc nền độc tài ở Triều tiên chẳng hạn, thì đa phần Việt kiều ra đi từ “nền BCCMVN” vẫn im lặng!
Vì sao vậy? Trong khi ai cũng biết rằng “Im lặng khi tội ác đang xẩy ra, đó cũng là tội ác”?!
Ngay tại Cộng hòa Liên bang Đức cũng vậy, có nhiều tờ báo mạng xã hội của Việt kiều lại bỏ qua tiêu chí hành nghề báo chí mà, dù không ai ép buộc, vẫn chọn cách đưa tin bài theo kiểu “nền BCCM”, vờ không biết nỗi đau của đồng bào và ngay cả những sự thật đau lòng đang được phô bày ngay tại nước Đức này.
Nguyên nhân từ đâu? Lẽ nào ngành Tuyên giáo và đòn roi trấn áp, dù đối với người khác, sau mấy chục năm vẫn là vết thương không thể lành sẹo trong tâm trí họ và khiến cho họ hoặc quá sợ hãi ?!
Tự do và nhân quyền – những khát khao về nó, tư tưởng về nó, hành động về nó, tưởng dễ chia sớt nhất vì chỉ là lời nói và câu văn, thì lại trở nên khó khăn và dè sẻn đến thế, đối với nhiều người VN ra đi từ “nên BCCM”!
Thiết tưởng, khi ta đã sống trong một xã hội tốt đẹp Đức hay các nước phát triển khác, một trong những điều tốt nhất có thể làm là hành động theo những tiêu chí về nền tự do và nhân quyền để vinh danh, để cảm tạ đất nước đã vì lẽ sống ấy mới cưu mang ta và đồng bào ta, đồng thời thức tình nhà cầm quyền VN, ủng hộ đồng bào trong nước.
Ai mà chẳng biết, yêu đồng bào và yêu nước hoàn toàn không dính dáng gì đến yêu đảng CS và yêu chủ nghĩa xã hội cũng như thể chế chính trị mà nó tạo nên. Người dân có quyền ủng hộ hoặc sa thải nhà cầm quyền do mình đóng thuế để nuôi nấng nó khi nó hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Công chúng của nhà báo hay trí thức, văn nghệ sĩ cũng vậy. Họ sẽ sa thải chúng ta nếu chúng ta mải đuổi theo cách làm báo của “nền BCCM” phi báo chí, phi tự do ngôn luận và vi phạm nhân quyền.
Võ Thị Hảo – Thoibao.de