Rác thải nhựa: Sự thật đáng buồn ở Việt Nam

Ảnh chụp lại từ Blog của Weigand

Alisha Weigand đã tốt nghiệp đại học ngành Quản lý môi trường và làm luận án thạc sĩ về Quản lý chuyển đổi trong hợp tác phát triển. Từ đẩu năm 2019, cô tập trung nghiên cứu về chủ đề: „Tránh chất thải nhựa trong đại dương“ cho Quỹ Thế giới vì Thiên nhiên (WWF). Sau đây là bài viết của Weigand trong Blog của WWF, cảnh báo về tình trạng xả rác thải nhựa ra biển ở Việt Nam.

Rác thải nhựa trong các đại dương là chủ đề trong năm thực tập của tôi ở Quỹ Thế giới vì Thiên nhiên (WWF). Bởi vì hệ sinh thái biển phải chịu ảnh hưởng nặng nề do rác thải nhựa chúng ta thải ra, đặc biệt là ở châu Á. Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới được cho là xả rác thải nhựa nhiều nhất ra biển. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu xử lý rác thải. Vì vậy, chúng tôi tìm cách đưa ra phương án và thực hiện việc xử lý rác thải.

Nhằm có thể đánh giá tốt hơn tình hình tại chỗ và tìm hiểu những khu vực mới trong dự án, đồng nghiệp của tôi và tôi tới Việt Nam. Chúng tôi tìm thấy những địa điểm tuyệt đẹp, những con người tuyệt vời và tích cực hoạt động… và rất nhiều rác thải nhựa.

Cù Lao Chàm – Niềm hy vọng tan biến

Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu ở miền Trung Việt Nam. Chúng tôi tới thăm đảo Cù Lao Chàm, một khu vực bảo vệ biển, không xa lắm bờ biển của thành phố Hội An. Trong suốt chuyến đi, tôi sợ hãi bám chặt vào chiếc tàu cao tốc. Khi tới nơi, tôi bước lên đảo chính trong khi quần áo bị ướt và thú thực hơi run.

Trên những chiếc xe máy nhỏ, chúng tôi đi theo những con đường mấp mô lên một ngọn núi. Chúng tôi choáng ngợp trước phong cảnh đẹp và xanh, nhưng cũng bị choáng bởi mùi rác thải nhựa bị đốt cháy nồng nặc. Trên ngọn núi này của đảo, một thiết bị đốt rác nhỏ đã được xây dựng. Ngay bên cạnh đó là một bãi chứa rác mà từ đây có thể nhìn thấy núi và biển màu xanh sẫm. Bãi chứa rác ở vị trí đẹp nhất mà tôi từng chứng kiến. Một sự trớ trêu kỳ lạ.

Từ 2003 tới 2009, trên đảo này từng có một hệ thống phân loại rác thải tốt. Cư dân trên đảo thậm chí còn ủ rác hữu cơ thành phân. Phần rác còn lại thì chở về đất liền. Nhưng việc gia tăng số lượng du khách làm cho hệ thống này không hoạt động được nữa. Giờ đây, toàn bộ rác thải được chở lên bãi rác trên núi và một phần được đốt. Nhưng việc đốt không hết ẩn chứa một nguy cơ rủi ro lớn: Đó là một đám mây vô hình từ chất Dioxin cực độc. Tôi không muốn hít thở nhiều từ không khí này nên dùng một chiếc khăn che mặt. Dĩ nhiên điều đó chẳng mang lại lợi ích gì, nhưng ít nhất thì tôi cũng cảm thấy đỡ hơn.

Côn Đảo – Chặng cuối của rác thải nhựa là thiên đường

Một vài ngày sau, chúng tôi tới một khu vực dự án tiềm năng mới ở miền Nam Việt Nam. Côn Đảo, cách bờ biển khoảng 80 km, bao gồm nhiều khu vực để bảo vệ rừng và khu vực biển trên đảo. Ngoài ra, đảo quyến rũ với những hình ảnh bãi cát trắng đẹp như thiên đường, giống như bãi biển trên Hòn Bảy Cạnh.

Và ai mà chẳng muốn đi nghỉ ở đây, đi bơi ở biển hoặc nằm trong bóng râm của những cây cọ? Từ bãi biển mà mấy tuần lễ nữa, rùa biển sẽ lên đẻ trứng, chúng tôi đi sâu vào trong đảo. Như vậy là đi vào khu vực rừng đước được bảo vệ. Chúng tôi leo lên rễ những cây đước và đột nhiên không còn nhìn thấy rừng nữa vì toàn rác.

Rác thải nhựa ở rừng đước Việt Nam

Núi nilon, chai nhựa, bản chải đánh răng, đồ chơi và những loài rác khác cho tới rác thải y tế như ống tiêm… mục nát ở đây. Phủ đầy ở tất cả những nơi mà mắt người còn nhìn thấy. Rễ rừng đước đã chặn lại rác thải mà thủy triều lên đưa chúng vào trong bờ. Trong không khí im lặng, buồn bã, chúng tôi xem xét kỹ nơi này. Chúng tôi kinh ngạc khi nhìn thấy biển mang vào đây những gì mà chúng ta tiêu thụ từ chất dèo. Từ các nhãn mác, chúng tôi có thể nhận thấy rác cũng tới từ những vùng khác của châu Á, chứ không chỉ riêng từ Việt Nam. Vào thời điểm này, thực ra chúng tôi chẳng quan tâm rác từ đâu tới, nhưng điều rõ ràng là: Phải mang rác đi và dù sao không thể để rác còn tới thêm.

Chất độc vô hình từ rác thải nhựa ở Việt Nam

Ngày hôm sau, chúng tôi lại tới đảo chính Côn Sơn để xem bãi chứa rác thải ở đó. Bãi rác thải nằm ngay cạnh một bãi tắm đẹp tuyệt vời, mà khi mưa rác có thể dễ dàng trôi xuống biển. Núi rác chất đống hàng mét và chẳng phù hợp gì với khung cảnh phía sau là núi phủ cây xanh. Mùi nhựa cháy lại thổi về phía chúng tôi. Tại đây, một người đàn ông hàng ngày xúc rác đưa vào một chiếc lò đốt nhỏ, trong khi hít vào phổi khí độc Dioxin. Giống hệt như vậy là gia đình ông ta, hàng ngày tìm kiếm những vật liệu có thể tái chế từ bãi rác. Gia đình này làm việc và sống trên bãi rác.

Long An – Tia hy vọng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Chặng cuối trong chuyến đi của chúng tôi dẫn tới tỉnh Long An ở Đồng bằng sông Cửu Long. Lý do là chúng tôi có Dự án mẫu của WWF ở thành phố Tân An, thủ phủ của tỉnh. Ở đây cần tạo ra mô hình về thu thập và xử lý riêng từng loại rác. Các cuộc trào đổi với nhà chức trách làm cho chúng tôi lại lạc quan hơn, có khi vẫn còn hy vọng.

Tương lai không rác thải?

Sau tất cả những ấn tượng của mình, chúng tôi biết rằng: Việc phân loại rác ở Việt Nam cũng có thể thực hiện được. Nhưng việc này đòi hỏi sự hợp tác liên tục của nhân dân địa phương và sự lâu dài của nhà chức trách. Nếu không thì mọi việc lại đổ xuống sông, xuống biển. Chúng tôi với tư cách WWF có thể giúp đỡ Việt Nam trên con đường đi tới một tương lai không có rác thải nhựa.

Tại nhiều nơi ở Việt Nam, tôi vẫn còn cảm nhận được âm hưởng còn sót lại của lịch sử chiến tranh. Liệu trong tương lai, người ta có còn nghĩ lại tới Hôm nay của chúng ta cũng đen tối như vậy hay không? Liệu người ta có tự hỏi, làm sao mà chúng ta có thể thải ra nhiều rác lên hành tinh này như vậy? Liệu chúng ta cũng bị coi là một phần của quá khứ đen tối này hay không. Nhưng cũng có thể chúng ta được coi là một thế hệ đã có thể chặn đứng được dòng rác thải nhựa. Ít nhất thì chúng ta cũng nên tìm cách chứ?

Alisha Weigand (Văn Long lược dịch)

Đây là đường link bài viết https://blog.wwf.de/plastikmuell-in-vietnam/


Kasse animation 7.8.2023