Ai thả Virus cúm Vũ Hán lên tàu sân bay Mỹ, Pháp?

https://www.youtube.com/watch?v=bU7ruL6seJ8

Việc viêm phổi Vũ Hán tấn công mạnh mẽ vào các hàng không mẫu hạm của các cường quốc quân sự thế giới là Pháp và Mỹ đã khiến hai quốc gia này phải đẩy mạnh điều tra nguồn gốc lây nhiễm tại các ổ dịch này.

Theo tổng kết do quân đội Pháp công bố hôm qua, 18/04/2020, trên tổng số 2.010 thủy thủ trên hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle (bao gồm cả tàu hộ tống) được xét nghiệm, có đến 1.081 người có kết quả dương tính với virus gây bệnh viêm phổi cấp tính Vũ Hán.

Con số ca nhiễm có thể cao hơn nữa, vì vẫn còn khoảng 300 xét nghiệm chưa có kết quả.

Điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Pháp, Bộ trưởng Quân lực Florence Parly cho biết, khoảng 1.700 quân nhân trên tàu sân bay cùng 200 quân nhân trên tàu chiến hộ tống, đại đa số là những người được xác định là nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán, đã trở về cảng Toulon hôm chủ nhật 12/4, tức là 2 tuần trước khi chấm dứt chuyến công tác 3 tháng.

Gần 2.000 quân nhân này đã được vận chuyển trên xe bus đến các địa điểm cách ly của quân đội Pháp.

Đồng thời, Bộ trưởng Parly thông báo đã cho mở hai cuộc điều tra: một điều tra của bộ tư lệnh về trách nhiệm của các cấp chỉ huy và một điều tra dịch tễ học. Bà cam kết là các kết quả của hai cuộc điều tra này sẽ được công bố trong vòng 2 tuần.

Bộ trưởng Quân lực Pháp cũng cho biết, tàu sân bay Charles De Gaulle dự định quay trở lại tham gia các chiến dịch từ tháng 6/2020 và toàn bộ quân nhân trên tàu sẽ phải thực hiện việc cách ly 14 ngày trên đất liền trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Ảnh: Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp

Việc thực hiện cách ly hàng nghìn thủy thủ trên tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle là một chiến dịch chưa từng có của quân đội Pháp.

Tàu Charles de Gaulle khởi hành tới phía Đông Địa Trung Hải vào ngày 21/1/2020 để hỗ trợ lực lượng quân sự Pháp chống lại phiến quân Hồi giáo ở Iraq và Syria trước khi triển khai đến Đại Tây Dương và sau đó là biển Baltic.

Thành phố Toulon là nơi tàu sân bay Charles de Gaulle đang cập bến sau khi cắt ngắn sứ mệnh tại Trung Đông và Đại Tây Dương vì dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát trên tàu.

Giới chức y tế đã phải đối mặt với thách thức vô cùng khó khăn là làm sao sơ tán an toàn gần 2.000 người khỏi tàu và đến nơi cách ly mà không xuất hiện thêm trường hợp lây nhiễm mới.

Một chiến dịch lớn để khử khuẩn toàn bộ tàu sân bay cũng như các tàu hộ tống cũng đã được tiến hành từ ngày 14/4.

Charles De Gaulle là tàu sân bay duy nhất của Pháp và cũng là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của châu Âu.

Pháp cũng là quốc gia thứ hai sau Mỹ sở hữu tàu sân bay hạt nhân. Các nước khác như Nga, Trung Quốc, Brazil vẫn đang sử dụng tàu sân bay chạy bằng động cơ thông thường.

Hiện giờ bí ẩn vẫn bao trùm nguồn gốc của ổ dịch trên hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle.

Một số phương tiện truyền thông Pháp đã trích dẫn lời của các thành viên thủy thủ đoàn nói rằng có sự căng thẳng trên tàu sân bay Pháp khi căn bệnh này lan rộng, sau khi nó dừng lại vào tháng trước tại cảng Brest thuộc Đại Tây Dương của Pháp trước khi trở lại biển.

Cũng trong phiên điều trần hôm thứ Sáu, 17/4, Bộ trưởng Quân lực Florence Parly đã phủ định thông tin mà một thành viên thủy thủ đoàn đưa ra khi được đài phát thanh France Bleu phỏng vấn, rằng thuyền trưởng đã đề nghị tạm dừng nhiệm vụ ở Brest, nhưng Bộ đã ra lệnh cho tàu tiếp tục ra khơi.

Bà khẳng định: “Đây là điều sai sự thật.”

Quân đội đang điều tra làm thế nào virus corona lên được trên tàu sân bay. Bộ trưởng Quân lực Pháp cho biết có nhiều giả thuyết đang được nghiên cứu, đặc biệt là chuyến ghé Brest ngay trước khi lệnh phong tỏa được ban hành trên toàn nước Pháp, hoặc chuyến ghé Limassol, Đảo Síp, cách đó một tháng.

Tại điểm dừng chân từ ngày 13 đến ngày 16/3 ở cảng Brest, Tây Bắc nước Pháp các thủy thủ được phép gặp gia đình của họ trên đất liền, được đến các nhà hàng và quán cà phê trước khi trở về tàu. Khi đó, 50 thủy thủ mới cũng được bổ sung cho tàu.

Còn về phía tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt, những điều tra mới nhất đang củng cố khẳng định việc ổ dịch viêm phổi Vũ Hán xuất hiện trên tàu không xuất phát từ chuyến thăm cảng Việt Nam vào đầu tháng 3.

Ảnh: Thủy thủ tàu USS Theodore Roosevelt được xét nghiệm covid 19

Theo báo Wall Street Journal, giả thuyết về nguồn gốc của viêm phổi Vũ Hán xuất phát từ hoạt động của máy bay trên tàu đang được củng cố với nhiều nguồn thông tin mới vừa được tiết lộ.

Thứ nhất, thời điểm xuất hiện những ca bệnh đầu tiên trên tàu cho thấy khả năng cao nguồn lây nhiễm đến từ những chuyến bay của phi đoàn trên tàu sân bay, bởi sau khi rời Việt Nam, tàu USS Theodore Roosevelt đã thực hiện nhiều chuyến không vận hàng hóa đến từ nhiều quốc gia.

Thứ hai, trong khoảng 5.000 nhân sự, không trường hợp nào có triệu chứng bệnh trước ngày 24–25/3. Theo các quan chức Mỹ, chuyến thăm Đà Nẵng kết thúc vào ngày 9/3 và với thời gian ủ bệnh trung bình của viêm phổi Vũ Hán là hơn 2 tuần, mối liên hệ giữa hoạt động thăm viếng này và ổ dịch là không có cơ sở.

Thứ ba, ban tổ chức chuyến thăm đánh giá cao công tác đối phó và kiểm soát dịch viêm phổi Vũ Hán của Việt Nam, khi thường xuyên có người tiến hành kiểm tra và cập nhật tình hình lây nhiễm của dịch bệnh tại các địa điểm thăm viếng.

Thứ tư, khi tại khách sạn của 30 thủy thủ phát hiện có 2 người Anh dương tính với viêm phổi Vũ Hán, tàu đã ra lệnh ngay cho thủy thủ quay trở lại tàu, lập tức tiến hành cách ly với kết quả xét nghiệm trước khi lên tàu đều âm tính. Tàu USS Bunker Hill cũng cập cảng Việt Nam, song cũng không có thủy thủ nào được phát hiện nhiễm viêm phổi Vũ Hán.

Trên cơ sở đó, có thể thấy rằng chuyến thăm cảng Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 7 – 9/3 không phải là nguyên nhân khiến thủy thủ đoàn USS Theodore Roosevelt nhiễm viêm phổi Vũ Hán.

Các quan chức Mỹ đưa ra nhận định trên khi đang đẩy mạnh nỗ lực tìm ra nguyên nhân gây ra đợt bùng phát nghiêm trọng đã khiến tàu phải hoãn hoạt động triển khai tại châu Á và chuyển hướng đến neo tại cảng ở đảo Guam.

Đến nay, hơn 600 thủy thủ trên tàu đã mắc viêm phổi Vũ Hán, trong đó 1 thủy thủ 41 tuổi đã tử vong, 5 trường hợp phải nhập viện và 1 người đang được theo dõi tích cực.

Theo truyền thông Mỹ, hiện có 615 thủy thủ trên USS Theodore Roosevelt nhiễm viêm phổi Vũ Hán. 5 thủy thủ trong số này hiện đang nhập viện điều trị tại Bệnh viện Hải quân ở đảo Guam, bao gồm 1 người nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.

1 thủy thủ đã tử vong vì các biến chứng của bệnh viêm phổi Vũ Hán ngày 13/4.

Hơn 1.700 thủy thủ khác trên tàu đã có kết quả âm tính với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán được chuyển đến những khách sạn trong vùng, theo Đài Fox News dẫn lời giới chức quân sự Mỹ.

Trang tin Business Insider dẫn nguồn từ hải quân Mỹ cho hay lực lượng này đã làm sạch và khử khuẩn 80% diện tích trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.

Một quan chức hải quân Mỹ cho biết: “Chúng tôi đến nay đã làm sạch hơn 2.000 chỗ ở, khu vực sinh hoạt trên tàu cũng như khử khuẩn hơn 80% diện tích con tàu.”

Một điều đáng chú ý là đa số thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được xác định nhiễm viêm phổi Vũ Hán đều không có triệu chứng.

Điều này cho thấy dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán âm thầm lây lan trong cộng đồng, tấn công các thủy thủ trẻ tuổi, khỏe mạnh trên tàu sân bay mà không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Đây là manh mối về đại dịch có thể mang ý nghĩa lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới giữa lúc họ đang xem xét thời điểm mở cửa lại nền kinh tế, cân nhắc nới lỏng hoặc gỡ bỏ lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội.

Đến nay, hải quân Mỹ đã xét nghiệm 94% trong tổng số 4.800 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.

Theo thông báo của Hải quân Mỹ ngày 16/4, khoảng 60% trong số hơn 600 thủy thủ có kết quả xét nghiệm dương tính đến nay vẫn chưa có triệu chứng viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ bao nhiêu thủy thủ sau đó có thể phát triển các triệu chứng hoặc vẫn không có triệu chứng sau khi xét nghiệm.

Tổng y sĩ của Hải quân Mỹ, chuẩn đô đốc Bruce Gillingham, nói: “Chúng tôi rút ra bài học là lây nhiễm Covid-19 không có triệu chứng là sức mạnh bí mật của SARS-CoV-2.

Trả lời phỏng vấn đài NBC, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết số ca nhiễm không có triệu chứng từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là đáng lo ngại. Ông Esper nói: “Dữ liệu phơi bày độc lực của SARS-CoV-2, cho thấy những người khỏe mạnh bình thường không hề biết họ đang mang trong mình virus.”

Dữ liệu như thế này trở thành thách thức đối với quân đội Mỹ vốn triển khai lực lượng khắp thế giới, nhất là trong không gian hẹp như tàu ngầm, chiến hạm và máy bay. Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết xét nghiệm toàn bộ quân đội hiện vẫn chưa khả thi vì khả năng xét nghiệm vẫn còn hạn chế.

Viêm phổi Vũ Hán cho đến nay có tính sát thương khủng khiếp hơn bất kì vũ khí tối tân nào khi đã vô hiệu hóa các hàng không mẫu hạm, vốn là niềm tự hào và thước đo thực lực quân sự của các quốc gia.

Ô dịch viêm phổi Vũ Hán trên các tàu sân bay đã gây thiệt hại nặng nề cho quân đội của Pháp và Mỹ.

Quân đội hai nước này đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi vừa phải khôi phục lại khả năng chiến đấu của tàu sân bay vừa phải đảm bảo sức khỏe,an toàn tính mạng cho các quân nhân trước đại dịch.

Qua bài học đau đớn do loại virus viêm phổi Vũ Hán gây ra cái chết cho hơn 150.000 người và lây nhiễm trên 2 triệu người, thì Việt Nam càng cần phải chuẩn bị cho tình huống nguy hiểm nhất đến từ phương Bắc, như tướng Trương Giang Long đã khẳng định “Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm Biển Đông của chúng ta.”

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=oDVF_KNfAOQ
Đại tướng Mỹ tiết lộ điều “bí ẩn” từ Trung quốc