Trong một động thái có thể khiến Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ, Nhà Trắng hôm qua, 20/11/2020 đã mở cửa đón người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong hiện nay, lần đầu tiên trong vòng sáu thập kỷ.
Hãng tin Anh Reuters, trích dẫn một thông cáo của tổ chức Chính Quyền Trung Ương Tây Tạng (Central Tibetan Administration CTA), tức là chính phủ Tây Tạng lưu vong, cho biết là ông Lobsang Sangay, chủ tịch CTA, đã được mời đến Nhà Trắng vào thứ Sáu 20/11, để gặp ông Robert Destro, điều phối viên đặc biệt mới được bổ nhiệm của Mỹ phụ trách các vấn đề Tây Tạng.
Trụ sở của CTA đặt tại thành phố Dharamshalah ở Ấn Độ.
Theo CTA, đây là một “cuộc họp chưa từng có tiền lệ”, có khả năng mở đường cho quan hệ giữa chính phủ lưu vong Tây Tạng và các quan chức Hoa Kỳ, một quan hệ sẽ mang tính chính thức nhiều hơn trong những năm tới.
Tây Tạng đã trở thành một nguyên nhân tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào lúc quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 7 vừa qua đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và nói rằng Washington ủng hộ “quyền tự trị có ý nghĩa” cho khu vực.
Các quan chức Bắc Kinh từ đó đã cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng Tây Tạng để cố gắng thúc đẩy “chủ nghĩa ly khai” ở Trung Quốc, và Bắc Kinh đã từ chối tiếp xúc với ông Destro.
Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng vào năm 1950, xem hành động đó là một cuộc “giải phóng hòa bình” đã giúp nơi này loại bỏ “quá khứ phong kiến”. Tuy nhiên, những người chỉ trích, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, hiện phải lưu vong, cho rằng chế độ cai trị của Bắc Kinh tương đương với “sự diệt chủng văn hóa”.
Tây Tạng : Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật bảo vệ Đạt Lai Lạt Ma
Hạ Viện Hoa Kỳ hôm 28/01/2020 đã thông qua dự luật trừng phạt những quan chức Trung Quốc can thiệp vào việc chọn lựa người thay thế Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng 85 tuổi được cho là sẽ luân hồi sang kiếp khác.
Chính quyền Mỹ có thể phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh tất cả các quan chức Trung Quốc nào tìm cách nhận diện và đưa lên ngôi một Đạt Lai Lạt Ma mới do chính quyền Bắc Kinh duyệt xét, sau khi thủ lãnh tinh thần Tây Tạng qua đời.
Dự luật này còn phải được Thượng Viện chấp thuận, và thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio – vốn nhiều ảnh hưởng ở Thượng Viện, đã từng vận động thành công luật nhân quyền Hồng Kông – hứa sẽ ủng hộ. Sau đó sẽ được trình lên tổng thống Donald Trump để phê chuẩn.
Dự luật cũng cấm Trung Quốc mở thêm lãnh sự quán mới, một khi Hoa Kỳ chưa được mở phái bộ ngoại giao ở Lhassa, thủ phủ Tây Tạng.
Theo truyền thống, người Phật giáo Tây Tạng chọn Đạt Lai Lạt Ma theo nghi thức riêng, có thể kéo dài nhiều năm, thông qua một ủy ban có nhiệm vụ tìm kiếm một trẻ em có các dấu hiệu là Đạt Lai Lạt Ma đầu thai.
Tenzin Gyatso, tức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay, đã giảm hẳn các cuộc di chuyển và phải vào bệnh viện hồi tháng 4/2019 vì viêm phổi, nhưng ngài cho rằng sức khỏe vẫn tốt. Giải Nobel Hòa Bình 1989 sống lưu vong ở Ấn Độ sau cuộc nổi dậy bị đàn áp năm 1959, đã quyết định không theo tập tục truyền thống để ngăn trở bàn tay của Trung Quốc : ngài có thể tự chọn người kế nhiệm.
Các nhà đấu tranh Tây Tạng và Bắc Kinh đều biết rằng một khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị sư nổi tiếng nhất thế giới qua đời, niềm hy vọng Tây Tạng được tự trị cũng có thể mất theo. Chính quyền Trung Quốc có thể chỉ định một người chấp nhận tuân phục Bắc Kinh lên kế vị. Hồi năm 1995, Trung Quốc đã chọn một cậu bé 6 tuổi làm Ban Thiền Lạt Ma, và các tổ chức nhân quyền coi đây là tù nhân chính trị trẻ tuổi nhất hành tinh.
Tây Tạng: Đòn mới của Mỹ nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc
Chiến lược gây áp lực toàn diện phải chăng đang được chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng để tấn công Trung Quốc ?
Sau các sức ép liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và Tân Cương, mới đây, Washington đã bất ngờ chĩa mũi dùi công kích Bắc Kinh trên vấn đề Tây Tạng, cụ thể là cảnh cáo Trung Quốc là không nên áp đặt người thay thế đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, mũi tấn công của Mỹ xuất phát từ cả hành pháp lẫn lập pháp, với lời cảnh báo của một quan chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Mỹ và một dự luật đang được thảo luận ở Quốc Hội Hoa Kỳ, nhằm lưu ý Bắc Kinh rằng họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối quốc tế nếu tìm cách áp đặt « tiến trình tái sinh » của đức Đạt Lai Lạt Ma.
Hồi tháng 09/2019, phát biểu trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ, ông David Stilwell, quan chức hàng đầu của bộ Ngoại Giao Mỹ đặc trách Đông Á, đã cam kết là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép để cho người dân Tây Tạng được hưởng một « quyền tự trị có ý nghĩa ».
Về vấn đề kế nhiệm đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, mà theo đức tin Tây Tạng, sẽ tái sinh trong cơ thể người thay thế, ông Stilwell đã không ngần ngại chế nhạo việc đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn can thiệp vào tiến trình tái sinh này.
Quan chức Mỹ đã tuyên bố nguyên văn như sau : « Thật đáng băn khoăn và mỉa mai thay, đảng (tức là đảng Cộng Sản Trung Quốc) tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong tiến trình tái sinh của đức Đạt Lai Lạt Ma, ngay cả khi chủ tịch Tập (tức là ông Tập Cận Bình) luôn thúc giục các đảng viên duy trì “lòng kiên định của những người Mác Xít vô thần” ».
Theo ông Stilwell : « Người Tây Tạng, cũng như tất cả các cộng đồng có đức tin khác, phải có quyền tự do thực hành đức tin của mình, và tự do lựa chọn lãnh đạo của mình mà không bị bên ngoài can thiệp vào ».
Hành pháp Mỹ đã lên tiếng sau khi một nhóm dân biểu tại Hạ Viện Mỹ đệ trình một dự luật quy định việc trừng phạt bất kỳ quan chức lãnh đạo Trung Quốc nào can dự vào các hoạt động nhằm chọn người kế vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm đã 84 tuổi, vấn đề chọn Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp càng lúc càng gay gắt. Theo truyền thống, các tu sĩ Tây Tạng chọn Đạt Lai Lạt Ma thông qua một nghi thức có thể kéo dài nhiều năm, với một ủy ban lưu động có trách nhiệm đi khắp nơi tìm kiếm một đứa trẻ có thể là hóa thân tái sinh của nhà lãnh đạo tinh thần đương nhiệm.
Trong thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đang ngày càng cho thấy rõ ý muốn tự mình chọn người kế vị đức Đạt Lai Lạt Ma, với hy vọng bổ nhiệm được một lãnh đạo tinh thần Tây Tạng thân Bắc Kinh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện thời, đang sống lưu vong ở Ấn Độ sau khi chạy trốn khỏi Tây Tạng vào năm 1959, đã nghĩ đến việc chống lại ý đồ của Trung Quốc bằng cách đề ra những khả năng phi truyền thống để tìm người kế nhiệm, chẳng hạn như chọn ngay người kế nhiệm khi ông đang còn sống, thậm chí chọn một cô gái. Một khả năng nữa là tuyên bố rằng ông là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng.
Đối với giới bảo vệ dân tộc Tây Tạng, sự can thiệp của Mỹ có thể sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi ý kiến, nhưng sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc lợi hại trước khi hành động.
Dẫu sao thì với hồ sơ Tây Tạng, kể như là Mỹ đã tung đòn gây sức ép trên toàn bộ các vấn đề mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi của họ. Bên cạnh ba điểm truyền thống là Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, còn có Biển Đông mới được Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi trong một vài năm qua. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã phải đối phó với áp lực của Washington trên toàn bộ 4 hồ sơ này.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Dằn mặt Việt Nam – Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh?
>>> Trung Quốc cảnh báo liên minh phương Tây sẽ bị ‘móc mắt’
>>> EU và Canada tuyên bố cứng rắn về Biển Đông
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT