Link Video: https://youtu.be/5NUW_KrvPL0
Theo công an VN, nghi can bị cho là đã gây ra cái chết của bé gái 8 tuổi khai đã mua roi mây về đánh bé. Khi roi mây gãy, người này dùng gậy gỗ dài 90cm, đường kính 2,2cm để tiếp tục ‘dạy dỗ’ đứa trẻ. Cháu bé chết hôm 22/12/2021
Mấy ngày hôm nay mạng xã hội tràn ngập tin và hình ảnh cháu gái bị bạo hành đến chết ở TP Hồ Chí Minh.
PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh từ Hà nội có bài bình luận trên BBC News như sau:
“Nhìn gương mặt xinh đẹp, non nớt của cháu, những bức ảnh chụp thân thể đầy thương tích của cháu, lòng ai cũng quặn đau.
Là một phụ nữ, một người mẹ của hai con gái, người bà của một cháu bé 7 tuổi, tôi không dám nhìn kỹ, không nói nên lời vì quá đau xót và phẫn nộ.
“Theo cơ quan cảnh sát điều tra, lúc 19 giờ 30 phút ngày 22.12.2021, công an P.22, Q.Bình Thạnh tiếp nhận nguồn tin do bảo vệ một bệnh viện cung cấp. Cụ thể, bệnh viện có tiếp nhận cấp cứu một cháu bé tên là N.T.V.A (8 tuổi) trong tình trạng ngưng tuần hoàn tim, phổi đưa vào cấp cứu lúc 18 giờ 25 phút. Sau 1 tiếng cấp cứu bé vẫn ngưng tim, ngưng phổi, đồng thời phát hiện cơ thể bé có nhiều vết bầm tím bất thường.
Làm việc với cơ quan điều tra, “mẹ kế” Nguyễn Võ Quỳnh Trang(26 tuổi) khai nhận, trong quá trình dạy bé V.A học online có đánh bé nhiều lần.
Trước đây để đánh cháu bé, Trang đặt mua một roi mây trên mạng, sau một thời gian đánh thì roi mây bị gãy nên vứt đi.
Sau đó, Trang lấy cây gỗ tròn đường kính khoảng 2,2cm, dài 90cm đánh tiếp vì cháu V.A tiếp thu chậm.
Cụ thể, trong ngày 22.12.2021, theo lịch 7 giờ sáng bé học online đến 11 giờ, Trang vẫn cho bé học, cho bé uống hộp sữa rồi bé học online đến 11 giờ.
Sau đó, Trang kiểm tra bài từ 11 giờ đến 13 giờ 30, đến 14 giờ Trang đi nấu một tô phở cho cháu ăn, rồi cháu đòi uống thêm sữa nên Trang đưa cho cháu 3 hộp sữa thì cháu uống hết cả 3 hộp.
Sau khi cháu uống hết 3 hộp sữa cháu đòi uống thêm nước, Trang lấy nước ép ổi và nước lọc để cháu uống.
Khoảng 15 giờ cháu ăn uống xong, Trang tiếp tục dạy cho cháu học đến 16 giờ. Cháu làm sai nhiều bài, Trang khai nhận có sử dụng cây gỗ tròn đánh nhiều lần vào mông cháu bé, trong quá trình đánh bé có đỡ.
Trang khai nhận có dùng sức mạnh đánh vào mông cháu bé, đánh nhiều cái. Tới giờ không nhớ là đánh bao nhiêu cái, đánh trong khoảng nửa tiếng.
Đến 18 giờ bé V.A nghỉ không phải học nữa, cháu nói mệt nên đi nằm xem ti vi. Nằm một lúc thấy cháu ói, Trang lau chỗ ói và điện thoại ba của cháu A. về.
Anh Th. chạy về đến thang máy thì nghe tin nên anh Th. đưa bé từ giường vào trong toilet cho cháu ói, làm hô hấp nhân tạo cho cháu bé.
Trong quá trình sơ cứu cho con, anh Th. khai nhận là phát hiện trong mũi và miệng cháu có nhiều dị vật, có cả thịt bò và phở.
Anh Th. dùng miệng hút ra, sơ cứu tránh cho con bị ngạt. Sơ cứu một lúc con càng ngày càng yếu đi nên gọi cấp cứu ở một bệnh viện trên địa bàn. Đến 19 giờ 30, bé tử vong.” Đó là những thông tin mô tả sự việc đăng trên báo Thanh niên.
Nhưng trước đó, nững chuyện như vậy xảy ra không hiếm:
Tháng 5/2020, trên mạng mã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một phụ nữ ở Bình Dương bóp cổ, đánh đập, nhấc bổng người bé trai lên rồi đánh tới tấp vào mặt, đầu của bé mặc cho bé khóc thét.
Theo công an, mẹ kế của bé trai 5 tuổi bóp cổ, đánh đập cháu trong video clip.
Ngày 6/8/2018, chị Phan Thị H. (Tuyên Quang tố cáo chồng cũ và mẹ kế bạo hành dã man con trai chị là cháu Nguyễn Đăng K. (12 tuổi) suốt nhiều năm.
Tháng 11/2017, cô giáo phát hiện vết bỏng trên tay bé gái N.H.N.T. (7 tuổi) ở Châu Thành, Kiên Giang. Công an tỉnh đã mời cha mẹ để làm việc vì nghi bị mẹ kế và cha ruột bạo hành.
Thử gõ từ khoá “Bạo hành trẻ em” vào Google bằng tiếng Việt, bạn sẽ tìm được 27 triệu kết quả trong vòng 0,46 giây.
Giới chức Việt Nam từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội từng xác nhận hơn 2000 vụ trẻ em VN bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng.
Về lý thuyết mà nói, Việt Nam thuộc văn hoá đạo Khổng, nơi bố mẹ coi con cái là lẽ sống của mình.
Vừa quá chiều, vừa hành hạ có phải cùng một logic?
Một mặt chúng ta thấy thông tin khắp nơi về vấn nạn bố mẹ quá chiều chuộng con cái, làm chúng mất khả năng sống tự lập, mặt khác những vụ cha mẹ bạo hành con cái ở Việt Nam cũng rất phổ biến với những hình phạt mà ngay với kẻ thù độc ác nhất ta cũng không dám nghĩ tới.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UNICEF năm 2016, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về mức độ bạo hành trẻ em, với 68% trẻ em từ 2-14 tuổi được khảo sát trả lời là đã từng bị bạo hành cả về thể xác và tinh thần, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, vượt xa cả các quốc gia từng bị tố cáo về bạo lực trẻ em như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ.
Chỉ bày tỏ thái độ phẫn nộ khi mỗi khi một vụ việc như trên xuất hiện thì thật vô nghĩa, nếu chúng ta không tìm ra giải pháp dài hạn để giảm nhẹ tình trạng này.
Và để có giải pháp thì cần tìm ra nguyên nhân mà theo tôi, tình trạng bạo lực trẻ em ở Việt Nam dễ xảy ra, và xảy ra thường xuyên có một số lý do sau:
Nguyên nhân đầu tiên là xã hội không coi đứa trẻ là một CON NGƯỜI mà coi là một vật thể phụ thuộc của bố mẹ, gia đình.
Vì thế khi gia đình còn êm đẹp thì đứa con được coi là tài sản quý báu nhất, tuỳ quyền nâng niu, bảo bọc mà trên thực tế cũng có thể coi đó là một dạng bạo hành tinh thần, khi tước bỏ quyền tự lập của đứa trẻ.
Đến khi gia đình tan vỡ hay không may gặp bố mẹ có xu hướng bạo hành thì đứa trẻ hoàn toàn bất lực, không biết trông cậy vào ai.
Nguyên nhân thứ hai gây ra tình trạng này là quá tin tưởng vào sự bảo vệ của bố mẹ với trẻ em, nói cách khác là xã hội khoán trắng an nguy của đứa trẻ cho gia đình, trong khi ở đâu cũng vậy, không phải ai biết sinh con cũng biết làm bố mẹ cho tử tế.
Nguyên nhân thứ ba, có thể nói là nguyên nhân quan trọng nhất, là Quốc gia đang thiếu thiết chế bảo vệ trẻ em.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990.
Trong nước có luật Trẻ em từ năm 2004, lần sửa đổi mới nhất là năm 2016 nhưng tình hình trẻ em ở Việt Nam về mọi mặt không có gì khá hơn các quốc gia khác vì chúng ta thiếu thiết chế bảo vệ trẻ em.
Sau khi bé gái tử vong vừa rồi, có nguồn tin cho biết hàng xóm từng báo với ban Quản lý chung cư và có ý trách ban Quản lý không có hành động gì, rồi ban Quản lý phản hồi lại là chưa từng nhận được bất kỳ thông báo nào.
Thực tế là rất nhiều nơi công an rất thờ ơ, cho việc bố mẹ đánh con là “giáo dục bình thường”, thậm chí công an, thầy cô giáo có chứng kiến trẻ bị bạo hành cũng gọi phụ huynh đến nói chuyện vài câu rồi vẫn trẻ em vẫn phải về nhà, vì không biết đưa đứa trẻ đi đâu cả.
Việt Nam hiện cũng có rất ít trung tâm nuôi dưỡng trẻ em và chủ yếu dành cho các trẻ em mồ côi, chưa từng nghe đến việc nhận nuôi trẻ em còn bố mẹ, thủ tục xác minh cũng khá rắc rối.
Chưa từng thấy ở Việt Nam có quy định tách trẻ em khỏi người nuôi dưỡng bạo lực, tức là dù xét xử thế nào, nạn nhân vẫn phải quay về với đao phủ và khi ấy nguy cơ trẻ bị bạo hành còn cao hơn.
Nguyên nhân cuối cùng, không kém phần quan trọng là không có chế tài bảo vệ/buộc bố mẹ sau ly hôn phải chăm sóc con cái.
Như trong câu chuyện bé gái tử vong vừa qua, mẹ cháu bị người bố ngăn cản nên cả năm chưa được đến gặp con, vì vậy khi bé bị hành hạ không biết kêu ai.
Chỉ cần lên mạng ta sẽ thấy vô số câu chuyện vè việc bố mẹ, mà đa phần là bố, không thăm nom gì con sau ly hôn, thậm chí không gửi tiền cấp dưỡng dù số tiền ấy theo quy định của luật Việt Nam là vô cùng ít ỏi.
Đấy chính là lý do mà dù Việt Nam có 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em nhưng tác dụng gần như bằng không.”
PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh nêu nhận định.
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Độc đảng – Một cỗ máy tạo củi hoàn hảo!
>>> “Dây thòng lọng” nguy hơn xe ứ đọng ở biên giới
>>> Lo tự diễn biến, báo công an đòi “Dân chủ mà không cần đa nguyên, đa đảng“
‘Quan hệ dễ hối lộ’ kéo dài biến quan chức tử tế ở Việt Nam thành kẻ tham nhũng
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT