Non sông dễ đổi, bản tính khó dời, có lẽ dân Việt không lạ gì bản chất thích bắt cóc của ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Dù cho ông Tô Lâm đã kết nối với đại diện nhiều quốc gia để bàn về hợp tác an ninh, nhưng cách này không khả thi, vì nó cần quá trình rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Chưa kể đến quan điểm về tội phạm khác nhau, như trường hợp Đường Văn Thái hoặc Trương Duy Nhất, Việt Nam coi họ là tội phạm, trong khi các nước dân chủ không xác định như vậy. Vậy nên bắt cóc cho nhanh gọn.
Tiếng xấu đã gắn chặt với cái tên Tô Lâm. Bộ Công an đã trải qua nhiều đời Bộ trưởng, nhưng chưa ông nào tai tiếng như ông Tô Lâm, chưa ông nào ăn thịt bò dát vàng và chưa ông nào bắt cóc nhiều như ông Tô Lâm.
Vụ AIC là vụ án lớn, tuy nhiên, nhân vật chính là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì đã trốn ra nước ngoài. Bà Nhàn đã bị Bộ Công an phát lệnh truy nã, tuy nhiên, chỉ là phát lệnh truy nã trong nước. Nhưng hiện nay bà Nhàn lại ở nước ngoài, vậy làm sao để bắt?
Nếu muốn danh chính ngôn thuận bắt bà Nhàn, thì phải có lệnh truy nã quốc tế, hoặc Việt Nam phải có hiệp định dẫn độ đối với quốc gia mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang cư trú. Để bắt bà Nhàn một cách danh chính ngôn thuận, thì có thể nói, là bất khả thi đối với ông Tô Lâm.
Chiều ngày 19/4, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp, báo chí đặt câu hỏi về vấn đề quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, thuộc Bộ Tư pháp, cho biết, đến thời điểm hiện tại, Cục này chưa nhận được bất kỳ thông tin nào do địa phương chuyển lên, liên quan đến vấn đề quốc tịch của bà Nhàn.
Nếu bà Nhàn chưa có quốc tịch nước ngoài thì bắt cóc dễ hơn, còn nếu bà Nhàn đã là công dân của một nước khác, đặc biệt là công dân của một cường quốc dân chủ, thì việc bắt cóc của ông Tô Lâm nếu có sẽ là vấn đề nghiêm trọng. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức cách đây 6 năm là trường hợp không phải bắt cóc công dân Đức, vậy mà vấn đề rắc rối ngoại giao và pháp lý đã xảy ra, đến nay vẫn chưa gỡ hết. Thời điểm đó, ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tị nạn và trong thời gian chờ đợi, ông được nhà nước Đức bảo vệ.
Với trường hợp ông Trương Duy Nhất thì dễ dàng cho ông Tô Lâm, hơn vì nhà báo này chưa có quy chế tị nạn. Trường hợp Thái Văn Đường đã có quy chế tị nạn, nên rất có thể Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan sẽ lên tiếng. Hiện nay, vụ Thái Văn Đường đang gây chấn động, không chỉ báo chí tiếng Việt, mà báo chí tiếng Anh cũng đã lên bài. Hành động phạm pháp, bắt cóc người của Bộ Công an Việt Nam đã bị phơi ra cho thế giới biết.
Trở lại với vụ việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nếu bà chưa có quốc tịch thì dễ dàng cho ông Tô Lâm hơn. Vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng là một đại án chứ không phải vụ án nhỏ. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn mới bị đưa ra xét một vụ việc mà đã bị tuyên 30 năm tù giam, dù là tuyên vắng mặt.
Điều đáng nói là, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn dù đang trốn, nhưng vẫn liên lạc với luật sư bào chữa cho bà, để nộp đơn kháng cáo. Điều này giống như bà Nhàn muốn “đùa giỡn” với ông Tô Lâm vậy. Bà cho Tô Lâm biết, bà vẫn liên lạc với luật sư và có vẻ như muốn thách đố xem ông Tô Lâm có tóm được bà hay không?
Việc ông Tô Lâm muốn bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là không có gì khó đoán, nhưng bắt được hay không lại là chuyện khác. Một khi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn dám liên lạc với luật sư, thì bà cũng không ngán ông Tô Lâm. Bắt cóc Thái Văn Đường thì dễ, nhưng bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, liệu Tô Lâm có khả năng không? Không phải cứ bắt cóc được 3 lần thì lại làm lần thứ tư dễ dàng.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: