Siết dân để cải cách tiền lương hay nuôi tham nhũng?

Lương Tổng Bí thư chưa tới 1.000 USD/tháng, hầu hết lương tứ trụ đều tương đương. Đây là lương ở những vị trí có chức vụ cao nhất trong hệ thống, mà còn như vậy, thì các chức vụ khác làm sao có mức lương đủ sống?

Tuy nhiên, ở Việt Nam, một quan phường cũng có thể có đủ thu nhập để mua nhà mua xe, và cho con đi du học. Trong khi, tiền lương của họ không đủ chi phí cho tiền xăng và bảo trì xe. Toàn hệ thống đều như thế, không ai “chết đói”, dù chỉ là cán bộ phường.

Mới đây, ông Vương Đình Huệ nói rằng, “Tăng thu ngân sách, dành 40% cho cải cách tiền lương, không nói xuôi nói ngược”.

Ông Chủ tịch Quốc hội chỉ nói tránh, chứ “tăng thu ngân sách” chính là siết cổ dân và doanh nghiệp. Việt Nam là quốc gia thuộc loại “sưu cao thuế nặng”, mà lại siết cổ toàn dân để trả lương cán bộ, thì dân nào chịu thấu?

Việc cải cách tiền lương cho bộ máy chính quyền là cần thiết, tuy nhiên, cần phải làm tương tự như các nước dân chủ, thì mới không đè thêm gánh nặng lên vai người dân.

Trước hết, phải tinh gọn bộ máy đến mức gọn nhất có thể. Lấy ví dụ ở Chính phủ, chỉ cần 1 ông phó thủ tướng như Nhật Bản, thì tiền lương của 4 ông phó thủ tướng đem dồn lại cho 1 ông, lúc đó, lương phó thủ tướng sẽ đủ sống.

Tương tự ở các bộ, giảm số lượng thứ trưởng, dồn lương của các vị trí này cho 1 người, thì lương của lãnh đạo sẽ tăng gấp nhiều lần.

Mặt khác, chính quyền Việt Nam có bộ máy song trùng. Nghĩa là, bộ máy Đảng và bộ máy nhà nước tồn tại song hành. Người dân phải gánh hai bộ máy khổng lồ này. Trong khi đó, ở các nước dân chủ, người dân chỉ nuôi một bộ máy nhà nước. Các đảng phái chính trị muốn hoạt động thì phải tự vận động, chứ dân không có trách nhiệm phải nuôi bộ máy này.

Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng hoạt động giống hệ thống dân chủ, nghĩa là tự vận động, tự tìm nguồn tài chính để duy trì, thì lương của cán bộ Đảng sẽ được dồn cho bộ máy nhà nước. Lúc đó, lương cán bộ, quan chức Việt Nam sẽ không thấp hơn lương của quan chức các nước trong khu vực.

Ngoài ra, ở Việt Nam, còn tồn tại đầy rẫy các hội, hiệp hội do nhà nước đặt ra và nuôi dưỡng, ví dụ: Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nhà văn, Hội Nông dân v.v.. Nếu Đảng cắt hết ngân sách nhà nước của những hội này, để họ tự thu chi, đồng thời cho phép dân tự do lập hội như các nước dân chủ, thì tiền lương của cán bộ các hội này được cộng dồn vào cho lương công chức.

Muốn tổ chức một bộ máy khoa học và hiệu quả, thì việc tinh giảm biên chế cho bộ máy phải đi đôi với cải cách tiền lương. Người dân Việt Nam vốn đã rất khốn khổ vì sưu cao thuế nặng, không thể cứ tăng lương là tăng thu từ dân.

Người dân Việt Nam đang bị bóc lột đến tận xương tủy, bởi họ đang phải gánh một bộ máy cồng kềnh, và tham nhũng tràn lan. Với thể chế này, và với bộ máy này, thì dù có siết cổ dân để tăng lương cho cán bộ, thì cũng không thể tăng được bao nhiêu. Bởi tiền từ dân đã bị bọn tham nhũng thi nhau xà xẻo cho vào túi riêng, đồng thời bộ máy quá đồ sộ khiến tiền lương tăng lên không được bao nhiêu, không đủ để bù vào trượt giá do lạm phát.

Mới đây, bà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chính quyền đã tuyển thêm hơn 42.000 công chức, viên chức, bù vào cho số 10.880 người nghỉ việc, thôi việc. Nghĩa là, họ tuyển 4 bù 1, như vậy, làm sao có thể tinh gọn bộ máy nhà nước?

Đảng chỉ đang làm phình bộ máy nhà nước ra mà thôi. Mà một khi siết cổ dân không đủ để bù vào phần phình ra, thì chắc chắn, Đảng Cộng sản đã cải cách tiền lương thất bại.

Ý Nhi – Thoibao.de

2.1.2024

Kasse animation 7.8.2023