Tô Lâm và thuộc hạ liệu có hạ bệ Tổng Trọng thành công hay không?

Sự vắng mặt bất thường của người đứng đầu đảng Cộng sản Việt nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gây sự chú ý của giới quan sát chính trị Việt nam.

Lần cuối cùng truyền thông nhà nước đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 ngày 26/12/2023.

Ngày 10/1/2024, trên trang facebook của đảng Việt Tân, đưa ra một banner với nội dung,

“Cuối năm 2023 nghe một số tin đồn bên trong nội bộ. Tô Lâm đang ráo riết củng cố thế lực, để chuẩn bị vai trò Tổng Bí thư để thay thế Nguyễn Phú Trọng.”, kèm theo lời bình đáng chú ý, “Tô Lâm là nhân vật có tham vọng lớn, là một trong những người được dư luận cho rằng, y là một trong những đồ tể. Nếu y thành công lật đổ được Nguyễn Phú Trọng thì dân càng khổ hơn,”.

Liên quan tới cuộc chạy đua nhân sự “chủ chốt” cho Đại hội đảng CSVN lần thứ 14, theo giới phân tích, cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng để lại, là cuộc đua “tam mã”: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ – Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội và Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Nước.

Trong đó Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được đánh giá có khả năng cao, với lý do Huệ Vương là người được Tổng Bí thư đã sắp đặt, còn 2 nhân vật Chính và Thưởng cơ hội ngang nhau là 50/50. Tuy nhiên đừng quên một con “ngựa ô” cần phải để ý, có khả năng vượt lên ở phút chót đó là Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Sư sa sút về mặt quyền lực của Tổng Bí thư Trong tại hội nghị Trung ương 8 khóa 13, là điều không bàn cãi, theo giới quan sát cho rằng, người đứng đầu đảng Cộng sản Việt nam Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị tập thể Ban Chấp hành Trung ương tiến hành mổ xẻ, về trách nhiệm của Tổng Bí thư về công tác Nhân sự của các kỳ Đại hội đảng 12 và 13.

Sự việc kể trên không thể không nhắc tới bài viết khá nặng ký, với tiêu đề: “Chúng ta đã để lọt cán bộ không đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành TƯ khóa XIII” ngày 5/10/2023 của Đài tiếng nói Việt nam. Nếu biết rằng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay, là ông Đỗ Tiến Sỹ – Ủy viên Trung ương khóa 13, là một đồng hương Hưng Yên cũng là một đàn em thân cận của Bộ trưởng Công An Tô Lâm, chúng ta sẽ thấy, đánh giá của đảng Việt tân đưa ra là có căn cứ.

Đáng chú ý trong bài viết vừa kể, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, ông Vũ Văn Phúc thẳng thắn cho rằng, “… ở nhiều nhiệm kỳ vừa qua, nhiều cán bộ không đủ đức, đủ tài vẫn lọt vào Ban Chấp hành Trung ương. … công tác bảo vệ chính trị nội bộ của chúng ta làm chưa tốt, đã để lọt nhiều cán bộ xấu đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 13.”.

Và bình luận kể trên của ông Vũ Văn Phúc, dường như trong một toan tính đã được ai đó sắp đặt sẵn. Và ngay sau đó ngày 6/10/2023, trong thông cáo ngày làm việc thứ 5 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, trong danh sách bầu bổ xung vào Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, người ta thấy có tên của Thiếu tướng Vũ Hồng Văn là em rể của Bộ trưởng Công An Tô Lâm.

Tất cả những điều tạm liệt kê vừa kể, có liên quan gì đến những đồn đoán từ cuối năm 2022, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang âm thầm thực hiện một “cuộc đảo chính không tiếng súng”, với mục tiêu để loại bỏ và tiến tới tước ngôi vị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không?

Và điều đó có liên quan gì tới thông tin của tác giả Hạnh Nhân đưa tin trên trang Fanpage của đảng Việt tân cho biết,

“… người đứng đầu đảng Cộng sản cần một cái máy chém nên mới chấp nhận cho [Tô Lâm]nhiều quyền tới vậy, cho đến hiện tại người đốt lò cũng chỉ hi vọng tìm người kế tiếp cản lại được cơn bành trướng này.”.

Theo giới thạo tin đưa ra các đánh giá rất đáng chú ý, trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ Công An của Bộ trưởng Tô Lâm đã có những động thái hết sức bất thường, trong việc bắt giữ liên tiếp và mở rộng điều tra đối với các quan chức cấp cao, hầu hết là những nhân vật thân cận của của Tổng Bí thư. Kể cả việc không truy tố tội danh nhận hối lộ 200 ngàn USD của Chu Ngọc Anh, một nhân vật thân cận của ông Trọng, thực ra cũng là “đổ dầu vào lửa”, kích thích sự căm phẫn của công luận.

Tuy nhiên phe cánh của Tổng Bí thư cũng không kém. Xin nhắc lại, thời gian gần đây, theo giới thạo tin tiết lộ, trước sự lộng hành của ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thổ lộ với những nhân vật thân cận, rất muốn đưa ông Phan Đình Trạc ngồi thay ghế Bộ trưởng của ông Tô Lâm. Dó đó những vấn đề biến động nhân sự của Bộ Công an trong thời gian gần đây, là những động thái “lót ổ” chờ thời của ông Phan Đình Trạc và Ban lãnh đạo phe Nghệ an.

Kể cả việc gần đây, các cán bộ công an vi phạm pháp luật bị nhận những bản án nặng “bất thường”. Như vụ cựu thượng úy, cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Trung, lĩnh mức án tới 20 năm tù giam là một ví dụ về sự khác thường. Điều đó liên quan gì tới những đồn đoán gần đây của giới thạo tin khi cho rằng, “Vòng vây Tô Lâm đã siết chặt, Tổng Trọng bật đèn xanh loại bỏ Bộ trưởng Công An?” hay không?

Binh pháp của Tôn tử có chước “Tiên hạ thủ vi cường”, có nghĩ là, ai ra tay hạ thủ trước kẻ địch, người đó sẽ tạo được bất ngờ, và khiến cho người hạ thủ trước giành được chiến thắng.

Nhưng theo giới phân tích, khả năng ông Tô Lâm sẽ rất chật vật để trụ lại trong danh sách Nhân sự “chủ chốt” của Đại hội 14, chứ đừng nói đến việc Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư Đại Hội đảng CSVN lần thứ 14. Chúng ta hay chờ xem./.

Trà My – Thoibao.de

10.1.2024

Kasse animation 7.8.2023