Ai thay ông Trọng có quan trọng không?

Tin đồn về sinh mệnh của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lan nhanh khắp nơi từ chiều qua. Công chúng cũng đồn đoán người thay thế ông Trọng làm Tổng bí thư.

Vì thiếu thông tin, có người phán đoán dựa vào thuật chiêm tinh, còn lại hầu hết dựa vào danh sách các UVBCT, những người đã tham gia trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Đảng CSVN còn có quy định về ‘trường hợp đặc biệt’ do Ban Chấp hành Trung ương quyết định có từ 2020, tức là thời ông Trọng làm Tổng bí thư, mà ông ta được áp dụng đầu tiên.

Câu cửa miệng của nhiều người mỗi khi đất nước ‘thay thầy, đổi chủ’ là: “Quan trọng gì! Ai lên cũng thế cả!”

Ông Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các ứng viên tiềm năng nói gì?

Ai thay ông Trọng thì Đảng CSVN vẫn lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhà nước và xã hội, vẫn ‘lấy chủ nghĩa Mác, Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng’.

Tuyên thệ khi nhậm chức Chủ tịch nước ông Võ Văn Thưởng nêu: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng…”

Tuyên thệ nhậm chức của ông Vương Đình Huệ có đoạn: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam luôn khẳng định là nơi tập trung trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri, ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, luôn hoàn thành sứ mệnh và trọng trách của mình.”

Tuyên thệ nhậm chức của ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.”

Mới đây, 10/1, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị hai bên nhất quán sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao; tăng cường trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan chủ nghĩa xã hội, Đảng cầm quyền, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; chống tham nhũng; kinh nghiệm giải quyết các mâu thuẫn xã hội, qua đó, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Cũng đề cập đến những mục tiêu cao cả như dân giàu, nước mạnh, xây dựng một nền pháp trị, độc lập dân tộc… nhưng người đọc dễ nhận thấy Đảng Cộng sản giữ vị trí quan trọng nhất và xuyên suốt trong các phát biểu của họ.

Cảm xúc của dân

Trở lại với tin đồn về sức khỏe của ông Trọng, nội dung này vẫn đang được xuất bản, bình luận và chia sẻ không ngớt.

Blogger Bùi Thanh Hiếu sơ kết trên trang của mình sáng nay: “Sau hai tiếng có hơn 5 nghìn người thả cảm xúc. Trong đó có khoảng 3500 người like,  khoảng 1500 thả mặt cười, hơn 120 người giận, chỉ có 8 người thả nước mắt.”

Thuy Nguyen bình luận: “Đúng ông là người dám làm, nhưng nếu dám làm luôn cái chuyện ấy, tuyên đọc lời cáo chung của một chế độ, thì điều đó mới đáng trân trọng.”

Đỗ Thục Quyên viết: “Còn độc đảng toàn trị thì ai lên cũng muốn gom quyền lực về một mối, quyền lực tuyệt đối sinh ra rất nhiều hệ luỵ,tha hoá tuyệt đối. Cái cần phải thay đổi là cái thể chế này. Ô Chọng nổi tiếng với câu còn đảng còn mình thì cũng không có gì ngoài trò chơi vương quyền.”

Blogger Hải Lê viết: “Sau trận chiến Chân Dung Quyền Lực và Quan Làm Báo nhiều năm trước, lâu rồi công chúng không còn thấy màn đấu đá nào ngoạn mục như vậy. Chính trường trong nước không có gì thú vị ngoài mấy clip ăn thịt bò dát vàng của ông Lâm hay clip chửi thề của ông Chính, hoặc tin mấy anh quan già bị bắt.”

Nếu không có thông tin chính thức xác nhận hoặc phủ định, chắc tin đồn này còn nóng hơn trong những ngày tới.

Bất luận sự thực về sinh mệnh của ông Nguyễn Phú Trọng như thế nào, câu hỏi về người thay thế ông ta vẫn sẽ được đặt ra. Và câu trả lời vẫn có thể là: “Chẳng quan trọng.”

Nguyễn Hà Hùng 

Kasse animation 7.8.2023