Vụ Án Vạn Thịnh Phát: Bình Tòa nhào vô “dính máu ăn phần” theo lệnh của ai?

Ngày 10/1, truyền thông nhà nước đưa tin, ông Phạm Ngọc Duy – Chánh Văn phòng Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh – cho biết, trong tháng 3/2024, vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm.

Phiên tòa này sẽ do Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh làm chủ tọa, với sự tham gia của khoảng 200 luật sư, bào chữa cho 86 bị cáo.

Cũng trong ngày 10/1, báo Tuổi Trẻ cũng đưa một bản tin khác, với tiêu đề, “Vụ “đại đại án” Vạn Thịnh Phát: Sẽ có rất nhiều người được khoan hồng”.

Bản tin cho biết, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ chia sẻ với báo giới rằng, với chủ trương phân hóa trách nhiệm, hàng ngàn người trong các vụ đại án trước đó, như “chuyến bay giải cứu”, “Việt Á”, đã được khoan hồng, nên ở vụ Vạn Thịnh Phát, cũng sẽ có nhiều người khác được khoan hồng.

Theo giới quan sát, điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của công luận và giới phân tích, trước đây ít lâu từng cho rằng, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cũng như những người liên quan, sẽ được nhận bản án nhẹ hơn nhiều so với tội trạng của họ.

Sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng đối với bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn, với các tội danh truy tố bao gồm: Đưa hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng; tham ô tài sản lớn trong vụ án xảy ra ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Có dấu hiệu cho thấy, truyền thông nhà nước nhận sự chỉ đạo từ “cấp cao”, khi đưa tin khen ngợi bà Trương Mỹ Lan. Báo Người Lao Động ngày 16/12/2023 đưa tin, bị can Trương Mỹ Lan đã được các cơ quan tố tụng ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đó là, bà Lan đã “tỏ ra tích cực trong hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng”.

Trong khi, theo kết luận điều tra của Bộ Công an, cũng như cáo trạng của Viện Kiểm sát, đã chỉ rõ, Ngân hàng SCB của bà Trương Mỹ Lan hoạt động kinh doanh với mục đích, huy động tiền nhàn rỗi của khách hàng để lừa đảo. Họ sử dụng thủ đoạn quen thuộc là lấy của người sau để trả cho người trước, và rút ruột ngân hàng để sử dụng vào các mục đích riêng.

Kết luận điều tra của Bộ Công an đã nêu rõ tính chất nghiêm trọng của vụ án. Công bố tổng số tiền mà bà Lan và đồng bọn đã gây thiệt hại cho riêng Ngân hàng SCB và hơn 40,000 người gửi tiền tiết kiệm bị lừa thành nhà đầu tư trái phiếu, đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng, tương đương với 12,5 tỷ USD.

Đó là chưa kể tới việc, bà Trương Mỹ Lan nắm giữ tới hơn 91% cổ phần, để có thể “lũng đoạn và chi phối toàn bộ họat động cùa SCB”. Qua đó, bà Lan đã rút ruột Ngân hàng SCB hơn một triệu tỷ, để chi tiêu cho mục đích riêng, dẫn đến những khoản nợ xấu khổng lồ “không thể thu hồi”, lên tới hơn 5.8 tỷ USD.

Không phải vô cớ mà Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho biết, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã làm khống cả ngàn hồ sơ, để vay và chiếm dụng trên 1 triệu tỷ đồng của ngân hàng SCB. Trong đó có trên 500 nghìn tỷ đồng tiền gửi của khách hàng. Đây là phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, vào sáng 21/11/2023, của ông Phạm Văn Hòa.

Thậm chí, Trưởng đoàn Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đã nhận hối lộ bằng tiền mặt, lên tới 5,2 triệu USD. Đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay, và vụ án này có số lượng tiền bị chiếm dụng, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất.

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Hòa đánh giá về tính chất nguy hiểm của vụ việc, “Vụ này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ”. Điều đó có nghĩa là, còn có rất nhiều các đại án tương tự chưa bị lộ.

Trên thực tế, bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt tới 304 ngàn tỷ đồng, tương đương với 12.4 tỷ USD của Ngân hàng SCB. Để che giấu thực trạng yếu kém và vi phạm pháp luật của Ngân hàng này, bà Lan mạnh tay chi số tiền lên tới 5.2 triệu USD để hối lộ cho một cá nhân. Đó là bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II của Ngân hàng Nhà nước.

Điều này giải thích cho việc, trong môt thời gian dài hoạt động, nhưng Ngân hàng SCB chỉ bị thanh tra duy nhất 1 lần, và đã trót lọt, thì có thể khẳng định, việc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB thực hiện chi tiền “lót tay”, mua chuộc, tác động tới các quan chức cấp cao trong các cơ quan nhà nước, làm trái công vụ, là điều có thật.

Công luận cho rằng, chưa bao giờ câu triết lý “Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” của trùm xã hội đen Năm Cam, lại được các quan chức nhà nước và hầu hết các doanh nhân ở Việt Nam áp dụng một cách lão luyện như lúc này.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ không dám tự ý chia sẻ với báo giới chủ trương nói trên. Chắc chắn, ông Tuệ phải nhận được sự cho phép của Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Điều đó cho thấy, trong danh sách những kẻ “dây máu, ăn phần” có thêm tên Bình Tòa.

Không biết, Bộ trưởng Công an Tô Lam có biết và có ý kiến gì để công luận sáng tỏ điều “lấn cấn” nói trên hay không?./.

Trà My – Thoibao.de

11.1.2023

Kasse animation 7.8.2023