Trần T. Anh ngã ngựa, xộ khám hay thoát đại nạn?

Ngày 31/1, ông Nguyễn Phú Trọng cho triệu tập cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng, Hội nghị này đã đưa ra mức kỷ luật đối với ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Trong Hội nghị này, Trung ương Đảng cũng cho khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trần Đức Quận và ông Nguyễn Nhân Chiến. Hai ông này đã bị ông Tô Lâm cho bắt giam trước đó.

Như vậy, cho đến nay, Bộ Chính trị khóa 13 đã rụng 3 người, trong tổng số 18 người ban đầu. Đó là ông Phạm Bình Minh – cựu Phó Thủ tướng Thường trực; ông Nguyễn Xuân Phúc – cựu Chủ tịch nước; và ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Ông Phạm Bình Minh bị rụng do vụ chuyến bay giải cứu; ông Nguyễn Xuân Phúc bị rụng được cho là liên quan đến vụ Việt Á; còn ông Trần Tuấn Anh bị rụng là bởi những sai phạm của ông này thời còn làm Bộ trưởng Bộ Công thương, đặc biệt là những sai phạm của Tập đoàn EVN.

Cho tới nay, chỉ có một Ủy viên Bộ Chính trị phải xộ khám, đó là ông Đinh La Thăng. Còn 2 uỷ viên Bộ Chính trị khóa 13 bị rụng trước ông Trần Tuấn Anh, được xem là “hạ cánh an toàn”. Ông Phạm Bình Minh và ông Nguyễn Xuân Phúc rời Bộ Chính trị mà không bị xử lý hình sự.

Còn trường hợp ông Trần Tuấn Anh vẫn đang là một câu hỏi bỏ ngỏ, liệu rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có cho xử lý mạnh tay như trường hợp Đinh La Thăng, hay làm nửa vời như trường hợp của ông Phạm Bình Minh và ông Nguyễn Xuân Phúc?

Ở nhiệm kỳ 11, Bộ Chính trị chỉ có 14 người, tuy nhiên, do đấu đá giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng, nên các bên tranh nhau đưa thêm người phe của mình vào. Nhiệm kỳ 11 này có 2 người được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân.

Sang nhiệm kỳ 12, Bộ Chính trị vẫn giữ số lượng 18 người. Tuy nhiên, đến giữa nhiệm kỳ thì ông Đinh La Thăng bị ông Nguyễn Phú Trọng triệt hạ, và cho vào tù. Ông Trần Đại Quang còn thảm khốc hơn, ông không bị mất chức, mà ông lại mất mạng. Dù mất 2 uỷ viên, nhưng Bộ Chính trị khóa 11 không bầu bổ sung.

Sang nhiệm kỳ 13, chỉ mới hơn nửa nhiệm kỳ đã có 3 uỷ viên Bộ Chính trị bị loại. Hiện nay, Bộ Chính trị đang thiếu người, trong đó, rất cần một Ủy viên Bộ Chính trị cho chiếc ghế Phó Thủ tướng Thường trực. Tuy nhiên, cho đến nay, các phe vẫn chưa thoả thuận được người để bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Có vẻ như, nhiệm kỳ 2021 – 2026 này, ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay hơn các nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ này, Trung ương Đảng đã có đến 9 Hội nghị bất thường. Trong đó, năm 2021, có 4 hội nghị; năm 2022 có 2 hội nghị; năm 2023 có 2 hội nghị; và năm 2024 chỉ mới đi qua tháng đầu tiên, đã có 1 hội nghị bất thường.

Thông thường, hội nghị bất thường được nhóm họp để “đốn củi”. Càng có nhiều hội nghị bất thường, quan chức dính chàm càng run, bởi những buổi họp luận tội đấy, tỷ lệ đồng ý kỷ luật rất cao.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang thể hiện là một lãnh đạo độc tài chuyên chế, nhưng ông rất khôn khi vẫn mượn tay Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, để ra kỷ luật các “đồng chí” của ông. Trong Bộ Chính trị, có đến 2/3 là người phe của ông Tổng, nên có thể nói, những gì ông Trọng muốn quyết thì Bộ Chính trị sẽ quyết. Và khi Bộ Chính trị đã quyết, thì Trung ương Đảng cũng quyết.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang mượn Trung ương Đảng làm công cụ cho chính ông. Đây là một tiền lệ xấu, bởi người kế nhiệm sẽ không dại gì mà không thừa hưởng hệ sinh thái quyền lực mà ông Nguyễn Phú Trọng đã dày công xây dựng. Được lạm quyền nhưng vẫn trên danh nghĩa là tập thể quyết định, chứ không phải cá nhân quyết định.

Có thể nói, với sức mạnh như hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng muốn hạ ai thì hạ, muốn tha ai thì tha, trừ Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải và Phạm Minh Chính.

Ý Nhi – Thoibao.de

1.2.2024

Kasse animation 7.8.2023