Người Việt sợ hãi trước bất công nhưng hăng hái cầu thánh thần chiếu cố

Người Việt “nhắm mắt” trước bất công nhưng hăng hái cầu thánh thần chiếu cố

Ngày 18/2, báo Tiếng Dân đăng bài “Chùa và Chợ” của nhà thơ, nhà giáo Thái Hạo.

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Nhìn biển người tại sân chùa Ba Vàng ngày mùng 8 Tết, tôi lại nhớ vụ việc thu phí dã man như cướp ở [các] chợ những ngày qua, mà mình đã phản ánh.

Có một trường hợp, gần như duy nhất, vào nhắn tin cho tôi, chia sẻ về nạn “cướp chợ” nơi anh ta buôn bán. Nhưng một dòng thông tin là 3, 4 dòng dặn dò “Anh đừng đưa lên nhé”. Tôi nói, yên tâm, tôi không bao giờ đưa thông tin của ai lên khi người ấy chưa đồng ý (mà thực ra tôi cũng không rảnh đến thế đâu). Nhưng sau đó, anh ta đã thu hồi luôn tin nhắn. Anh ta sợ, sợ đủ điều.

Hầu hết, bà con tiểu thương khi đọc được những bài viết ấy của tôi, chắc cũng có chút mừng thầm, nhưng tuyệt nhiên im lặng. Họ chờ ai đó sẽ làm thay cho mình, hoặc đợi mọi việc tự thay đổi. Họ sợ phiền phức, rắc rối, sợ trả thù, sợ bóng sợ gió, đủ kiểu. Họ sẽ than thở hay chửi cho vợ cho chồng nghe trong nhà, nhưng ra chợ thì nín thinh, và cứ thế đưa tiền, dù trong bụng tức tối.

Điều này đã khiến tôi buồn bã và cả giận dữ, khi nhìn một tình trạng dân chúng gần như tê liệt trước bất công, sai trái. Nỗi sợ hãi đến hoang tưởng dần khiến họ đánh mất đi những phẩm chất làm người vốn dĩ là tự nhiên nhất. Và cứ thế sống đời nô lệ trong huyết quản.

Thế nhưng, họ hăng hái đi chùa. Xa mấy cũng đi, đi để cầu, để xin, để mong được thánh thần chiếu cố. Họ sẵn sàng quỳ sụp xuống trước những pho tượng đất sét, quỳ sụp xuống trước những kẻ giả sư, với một niềm tin và ý chí không gì lay chuyển. Họ đổ về các chùa, đền, phủ, họ tranh nhau nhét tiền vào tay tượng Phật, họ giành nhau dâng tiền cho các giáo chủ “phái cúng dường”… Họ quỳ xuống để mong công bằng sẽ đến với mình, họ chắp tay để cầu lẽ phải và bình an; nhưng khi bị chà đạp và bóc lột, họ tuyệt đối im lặng.

Họ thuê xe rủ nhau đi chùa cách xa hàng trăm km để lạy, nhưng không ai lên uỷ ban xã ngay sát nhà để kêu đòi quyền lợi và phản ánh bất công. Phật nào cứu nổi những người bạc nhược, đớn hèn và chỉ biết hối lộ thần thánh như vậy?

Đôi khi tôi đành thở dài, cũng chẳng biết trách ai được, vì sống như thế, chúng ta xứng đáng bị giẫm đạp?

*******

Tiếng thở dài của nhà giáo Thái Hạo nghe não lòng. Và không chỉ mình ông thở dài, nhiều người phản biện, người đấu tranh trước đây và bây giờ đều thở dài như ông.

Cách đây nhiều năm, nhiều nhà hoạt động từng rất tích cực trong phong trào đòi dân chủ cho Việt Nam đã phải lắc đầu ngao ngán, hỏi một câu hỏi tương tự nhà giáo Thái Hạo, rằng: Dân tộc này xứng đáng bị [cai trị] như thế?

Bởi người Việt, sợ hãi đến mức chỉ một cơn gió thoảng qua cũng khiến họ giật thót mình. Một nhà hoạt động từng kể, những người bạn của cô đã rất hùng hồn khi lên án bất công chỗ nọ chỗ kia trên bàn nhậu, họ biết cả đấy, không phải họ bị mù thông tin đâu. Nhưng khi cô cất tiếng hát bài hát của Việt Khang – “Xin hỏi anh là ai”, thì những người bạn kia đều lần lượt tìm cách đứng dậy, bỏ đi. Và họ nhìn cô như nhìn một sinh vật lạ!

Cũng chính vì nỗi sợ hãi ăn vào tận xương tuỷ, nên trước bất công, họ không dám kêu gào với ai, thì đành phải bấu víu vào cửa Phật, với hy vọng số tiền “cúng dường” của họ sẽ khiến Đức Phật, khiến ơn trên đoái thương… mà bất chấp triết lý, giáo lý của nhà Phật.

Không rõ, họ có hiểu rằng, hành động của họ đã bôi xấu Đạo Phật và tiếp tay cho những kẻ giả sư kia lừa đảo người dân, khiến những người thành tâm hướng Phật xa lánh cửa chùa.

 

Thu Phương – thoibao.de