Hành động bất thường của ông Bộ trưởng và bản lĩnh của cô gái say xỉn tự nhận cháu ông to

Phạt “cháu ông to”

Ngày 13/3, báo Tiếng Dân đăng 2 kỳ “Thời sự” của nhà báo Nguyễn Thông, “Kỳ 1: Đào Ngọc Dung”, và “Kỳ 2: Phạt “cháu ông to’”.

Ở kỳ 1, tác giả đề cập đến việc ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội có những quyết định bất thường, mà báo chí đưa tin trong 2 ngày 12 và 13/3. Theo đó, ông Dung đã bổ nhiệm 4 lãnh đạo cấp cục, vụ.

Điều kỳ lạ là, chưa đến nửa ngày, gần như tất cả các báo đều gỡ nội dung này.

Tác giả đặt vấn đề: Tại sao nói đó là hoạt động bất thường của ông Dung?

Bởi ai cũng biết, trước đó vài ngày, ban quyền lực của ông Trần Cẩm Tú đã họp và đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xử lý, kỷ luật ông Dung. Có nghĩa là, đương sự đã nằm trên thớt, chuẩn bị “thi hành án”, chấm dứt sự nghiệp “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vậy nhưng, tác giả bình luận, đương sự cũng như cả cái bộ kia vẫn phớt lờ cấp trên, coi mọi quyết định không là cái đinh gì. Cứ ký, cứ quyết định, cứ trao, cứ vớt cú chót, tham nhũng đến cùng. Làm gì được nhau!

Tác giả lại nhớ vụ tổng thanh tra Trần Văn Truyền, từng hiên ngang thách thức như vậy, hốt hụi chót như vậy, rồi cuối cùng cũng chả sao.Cả một bộ máy thối nát, chẳng riêng gì Truyền, Dung. Nhưng cuối cùng chỉ bịt miệng báo chí.

Ở kỳ 2, tác giả đề cập đến vụ nữ tài xế say xỉn, gây tai nạn, rồi tự nhận là “cháu lãnh đạo”.

Theo đó, gần giữa tháng 3, báo mậu dịch và siêu mạng xã hội ì xèo về vụ nữ tài xế ở Hà Nội bị phạt, rồi phạt lây sang cả người khác.

Tác giả tường thuật, có một cô lái ôtô trên đường, xe cô ta va chạm với xe máy của người khác. Anh xe máy đi đúng luật, không vi phạm gì, nhưng cô kia cứ lăn ra bắt đền. Công an tới giải quyết, biết cô kia dính nồng độ cồn, lại còn cãi bướng, nên lập biên bản.

Cô cáu tiết lu loa lên, kiểu “biết bố tao là ai không”, tự xưng là cháu một ông to, rất to. Nhiều người nghe thấy, rồi báo chí mậu dịch nắm được, tường thuật điều nóng sốt ấy. Có những anh chị phây búc cơ nhanh nhảu thuật lại, rằng cháu ông này, cháu ông kia. Thế là sinh chuyện.

 

Nhà chức việc túm luôn một anh phây búc cơ, phạt tội “thông tin sai sự thật…”, khiến anh ta mất toi 7,5 triệu đồng. Cô “cháu ông to” cũng bị phạt, nhưng không phải tội nhận xằng (có xằng hay không thì chưa biết), mà là “vi phạm nồng độ cồn”, cũng toi 35 triệu.

Theo tác giả, vấn đề ở chỗ, những báo đã tường thuật thì không sao. Có nhẽ, sau khi được cảnh báo, nhắc nhở, họ đã rút bài hoặc chỉnh sửa, bỏ đi chi tiết “nhạy cảm”. Chỉ anh phây búc cơ kia là chịu trận, mặc dù anh ta cũng nói theo báo, nghe hơi bắc nồi chõ, ăn theo.

Tác giả đánh giá, đã hết cái thời “Nghe đài đọc báo của ta/ Đừng nghe đài địch bàn ra tán vào/ Tin đài tin báo của ta/ Đừng nghe tin địch ba hoa nói xằng”. Giờ thì, tin báo của ta là chết không kịp ngáp, không phải đầu cũng phải tai.

Tác giả nhận xét, lạ nữa là, cái cô tự xưng cháu ông, cô ta đã vi phạm pháp luật thì cứ phạt, cứ công khai bêu tên lên, sao báo chí lại phải úp mở cô T thế này, cô T thế nọ. Công an và Chủ tịch Hà Nội đã ra tay phạt đương sự rồi, cớ sao phải giấu. Cô Ngọc Trinh diễn xe máy bị phạt, sao không viết tắt là Ngọc T., mà cứ phết thẳng tên cổ ra?

Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Chẳng nhẽ, có đứa bình đẳng hơn. Giấu tên “nó”, khác gì gián tiếp thừa nhận đương sự thuộc diện “nhạy cảm”, con ông cháu cha, chớ có đụng vào.

Tác giả mỉa mai, trên báo đăng, tên thì viết tắt, mặt thì che, ngay cả cái tên đương sự trong quyết định phạt cũng bị bôi đi. Rất vớ vẩn, trò cười. Các ông các bà phạt được người ta, vậy ai có thể phạt các ông bà trong chuyện này?

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023