Tổng dùng Tô như đang nuôi cọp dữ làm “thú cưng”!

Tổng dùng Tô như đang nuôi cọp dữ làm “thú cưng”!

Thông thường, để bắt một quan chức, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ xua Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra tay trước. Sau khi Ủy ban này đề xuất mức kỷ luật lên Bộ Chính trị, thì đến lượt Bộ Chính trị quyết định hình thức kỷ luật, cuối cùng mới tới lượt Tô Lâm. Nếu chỉ là hình thức kỷ luật khiển trách, thì người bị kỷ luật vẫn tại vị, và được an toàn. Có người bị cách chức nhưng vẫn hạ cánh an toàn, thì cũng không tới lượt Tô Lâm. Nếu người bị cách chức và bị khai trừ khỏi Đảng, thì xem như sẽ trở thành con mồi của Tô Lâm.

Nhưng gần đây, Tô Lâm cho bắt quan chức không còn theo trật tự này nữa. Một số người gọi cách bắt người này là “bắt sống”. Hồi tháng 1, ông Tô Lâm cho bắt Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận, ngay khi ông này tại chức. Mới đây, ông Tô Lâm cho bắt bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc; ông Lê Duy Thành – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Tất cả những người này đều bị “bắt sống”.

Trước đây, ông Tô Lâm muốn bắt người thì phải đợi ông Trần Cẩm Tú làm xong phần việc của ông, thì mới tới lượt Tô Lâm. Nay ông Tô Lâm kéo quân đi bắt các đồng chí, mà không cần đợi ông Trần Cẩm Tú ra tay trước. Rõ ràng, vai trò của ông Tô Lâm đã quan trọng hơn trước rất nhiều. Có khả năng, ông Nguyễn Phú Trọng giao cho Tô Lâm quyền lớn hơn trước đây trong việc bắt bớ các đồng chí, và cũng có khả năng, ông Tô Lâm trở nên manh động hơn, tự tung tự tác hơn trước.

Khả năng thứ nhất, nếu ông Trọng trao cho Tô Lâm quyền lực lớn hơn, có quyền vượt mặt cả Trần Cẩm Tú, thì đây là một canh bạc mạo hiểm. Tô Lâm là “con cọp dữ”, nếu không có dây xích để ghìm cương, có ngày sẽ quay lại vồ chính những người anh em “đồng môn” – tức là những đồng chí cùng phục vụ ông Tổng Bí thư.

Khả năng thứ hai, nếu ông Tô Lâm tự tung tự tác phá vỡ quy trình kỷ luật do ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra, thì đây là dấu hiệu cho thấy, Tô Lâm đã không còn “ngoan ngoãn” như trước. Nếu khả năng này xảy ra, chính Tổng Trọng cũng cần phải cẩn thận, vì có thể, có ngày Tô Lâm hạ luôn cả chủ của mình để đoạt ghế.

Việc Tô Lâm xua quân “bắt sống” những quan chức đầu tỉnh Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc, cùng với việc hốt cả ổ Tập đoàn Phúc Sơn, và đặc biệt là bắt Đặng Trung Hoành – Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long), được cho là nhằm vào Võ Văn Thưởng. Bởi Đặng Trung Hoành là người đã nhận 60 tỷ của Hậu Pháo để xây nhà thờ tổ cho ông Thưởng.

Võ Văn Thưởng là người được ông Trọng nâng đỡ, sẽ không có chuyện ông Trọng chủ trương dí Võ Văn Thưởng vào đường cùng. Cho nên, có khả năng, việc bắt bớ những quan chức và chủ doanh nghiệp có dính líu tới Võ Văn Thưởng, là việc Tô Lâm tự. Đằng sau những vụ bắt bớ này là tranh giành quyền lực trong Tứ trụ. Tô Lâm cần vị trí Chủ tịch nước để làm bàn đạp tranh ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ sau.

Thời gian đến Đại hội 14 không còn nhiều, chỉ khoảng hơn 1 năm rưỡi nữa, cho nên, Tô Lâm nóng lòng muốn chen chân vào Tứ trụ, để tranh phần ăn chia. Đó là động lực để Tô Lâm nhe nanh nhe vuốt vồ một đồng chí của mình – đấy chính là Võ Văn Thưởng.

Sức khỏe của ông Trọng hiện đã rất yếu. Nếu ông đi gặp Bác trước lúc diễn ra Đại hội 14, thì đấy cũng là một cơ hội để Tô Lâm chen chân vào Tứ trụ. Bởi khi tứ trụ bị khuyết 1 chân, thì chắc chắn, phải có một người trám vào.

Việc làm cho đồng chí nhiễm bệnh lạ để loại khỏi vũ đài chính trị, không còn là chuyện xa lạ trong Đảng Cộng sản. Ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang, ông Lê Văn Thành đã “dính chưởng”, thì không có gì đảm bảo rằng, ông Nguyễn Phú Trọng không phải là người thứ tư. Và nếu có cơ hội, ắt Tô Lâm không ngại ra tay!

Quang Minh – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023