Lớp phấn son mà Đảng tô trét gần một thế kỷ đã bong tróc hoàn toàn

‘Vấn đề nhân sự’ mà Quốc hội họp cụ thể là gì?

Ngày 18/3, BBC Tiếng Việt bình luận “Việt Nam: “Vấn đề nhân sự” mà Quốc hội họp cụ thể là gì?”

Theo đó, một nguồn tin chia sẻ với BBC rằng, Quốc hội Việt Nam họp bất thường vào ngày 21/3 là để cho thôi đại biểu đối với một số cán bộ, quan chức trong thẩm quyền của Quốc hội.

BBC cho biết, một hãng tin quốc tế cũng dẫn lời một số quan chức và nhà ngoại giao Việt Nam cho rằng, khả năng vấn đề nhân sự mà Quốc hội thảo luận là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin từ chức.

BBC dẫn lời Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói rằng, các kỳ họp Quốc hội, dù là bất thường, đều nhằm giải quyết tất cả những vấn đề của đất nước, ví dụ như về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

“Trong đó có vấn đề nhân sự, những vị trí do Quốc hội bầu. Thông thường, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định triệu tập kỳ họp bất thường, thì chỉ nêu tiêu đề là bàn chuyện gì chứ không nêu nội dung chi tiết.”

“Ví dụ như 21/3 này, Quốc hội có kỳ họp bất thường về vấn đề nhân sự thì chỉ nêu vậy thôi.”

 

Theo BBC, Quốc hội bầu 3 vị trí trong Tứ trụ, gồm:

  • Chủ tịch nước (theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
  • Chủ tịch Quốc hội (theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước)
  • Thủ tướng Chính phủ (theo đề nghị của Chủ tịch nước)

BBC dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ, trong dịp này, Quốc hội sẽ biểu quyết, cho thôi đại biểu, đối với một số cán bộ như bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Đào Ngọc Dung…

Bà Hoàng Thị Thuý Lan là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội. Bà bị khởi tố, bị bắt tạm giam ngày 8/3, với cáo buộc “nhận hối lộ” từ Tập đoàn Phúc Sơn.

Vẫn theo BBC, thông tin ban đầu cho thấy, vụ Tập đoàn Phúc Sơn sẽ là một “đại án”. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, chỉ riêng 2 dự án của Tập đoàn này “đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng”.

Ông Đào Ngọc Dung là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ngày 8/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, Bộ trưởng Dung “vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật”, do liên quan Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

 

Cụ thể, BBC cho hay, Ban cán sự Đảng của Bộ này đã vi phạm pháp luật trong các gói thầu do AIC và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện.

Luật sư Trần Quốc Thuận diễn giải:

“Về vấn đề kỷ luật một quan chức cấp cao, nếu ông đó là đảng viên thì Đảng có quyền kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng. Nhưng chức vụ của nhà nước thì Hiến pháp quy định là do Quốc hội bầu, thì do Quốc hội xem xét.”

Chính trường Việt Nam ngày càng khốc liệt, qua đó, bộc lộ ra những mảng tối nhem nhuốc của giới quan chức; những âm mưu, thủ đoạn bẩn thỉu được sử dụng để triệt hạ lẫn nhau… Chính họ – những quan chức từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất – những “đảng viên trung kiên của Đảng” – đã bôi xấu bộ mặt vốn được sơn phết gần 1 thế kỷ qua của Đảng. Và đương nhiên, chẳng có “kẻ phản động” nào, hay “thế lực thù địch nước ngoài” nào giật dây quan chức tham nhũng và đấu đá nội bộ.

Các Đảng Cộng sản, từ Liên Xô, đến Trung Quốc, Việt Nam hay Bắc Triều Tiên… đều mang trong mình những tố chất thấp hèn, nhơ nhớp, nhưng đều tự thần thánh hoá, tự tô son trát phấn để có vẻ bề ngoài “vì dân, vì nước”, vì những sứ mệnh quốc tế cao cả… Chỉ có chính nội bộ Đảng mới khiến sự thật thối nát xì ra, chính họ mới có khả năng khiến cho thể chế mà họ phục vụ bị sụp đổ.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023