Nếu không chặn Tô đoạt ghế Tổng, Phan Văn Giang có thể cũng bị “thịt”?

Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được ví như là “thanh kiếm và lá chắn” của chế độ. Hai bộ này hàng năm đều “ngốn” ngân sách lớn nhất, Bộ Quốc phòng nhiều nhất với hơn 150 ngàn tỷ, và Bộ Công an tiêu tốn hơn 100 ngàn tỷ. Tuy cùng là “thanh kiếm” của chế độ, nhưng hai thanh kiếm này có công dụng khác nhau. Bộ Công an được Đảng sử dụng để trị dân, còn Bộ Quốc phòng là để bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm.

Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đều là uỷ viên Bộ Chính trị. Trong Chính phủ, chỉ có 2 vị bộ trưởng này và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là uỷ viên Bộ Chính trị, còn lại đều chỉ là uỷ viên Trung ương Đảng.

Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quan trọng với chế độ như thế, nhưng những người nắm 2 bộ này, nếu có vào được Tứ trụ thì cũng chỉ là ghế Chủ tịch nước. Trước đây, ông Lê Đức Anh từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau lên Chủ tịch nước. Gần đây là ông Trần Đại Quang, từ Bộ trưởng Bộ Công an lên Chủ tịch nước.

Có thể nói, Tứ trụ là sân chơi của kẻ khác, chứ không phải là sân chơi của những tướng lĩnh Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an.

Lần này, ông Tô Lâm quyết tâm đoạt ghế Tổng Bí thư, như là cách “phá dớp” chăng? Nhưng trước khi tranh chức Tổng Bí thư, ông cần phải đoạt được ghế Chủ tịch nước, thế là, Võ Văn Thưởng bị hạ đo ván.

Gần như, không ai đồng tình việc ông Tô Lâm ngồi vào ghế Tổng Bí thư, kể cả đảng viên Đảng Cộng sản, người cuồng Đảng cuồng Bác, và cả người dân bình thường nói chung. Bởi ai cũng thấy bản tính bạo ngược của ông Bộ trưởng này. Chưa lên được ghế Tổng Bí thư mà Tô Lâm đã chà đạp lên pháp luật và cả Đảng luật, bắt người bừa bãi. Việc chà đạp lên luật pháp của Tô Lâm là đã quá quen thuộc, giờ đây, ông chà đạp luôn cả Đảng luật, thì điều đó cho thấy, Tô Lâm quá nguy hiểm.

Hiện nay, các phe đang cố gắng cản đường Tô Lâm. Cho đến giờ này, cuộc chiến giữa các phe vẫn chưa ngã ngũ. Không biết phe nào sẽ thắng, điều này cần phải có thời gian quan sát. Nhưng nếu Tô Lâm quyết đoạt quyền lực, thì phần còn lại cũng quyết chặn Tô Lâm cho bằng được. Nên có thể nói, Tô Lâm không hề dễ dàng để thực hiện tham vọng.

Thế lực Hưng Yên đã ẩn mình lâu nay, và giờ đây, họ tự xem là đã đến thời cơ và chuẩn bị “bung lụa”, với người dẫn đầu nhóm là ông Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất trong nhóm. Bốn người còn lại là uỷ viên Trung ương Đảng, trong đó 2 người là Thứ trưởng Bộ Công an, 1 người là Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, và 1 người là Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hưng Yên.

Nếu Tô Lâm thành công đưa Lương Tam Quang lên làm Bộ trưởng Bộ Công an, và Nguyễn Duy Ngọc lên làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, thì khi đó, Hưng Yên có đến 3 uỷ viên Bộ Chính trị. Đấy là chưa kể đến ông Hoàng Xuân Chiến – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông này có thể cũng sẽ vào Bộ Chính trị, nếu Tô Lâm đoạt được ghế Tổng Bí thư.

Nếu Tô Lâm thành công đoạt chức Tổng Bí thư, khả năng cao là Hoàng Xuân Chiến cũng sẽ vào Bộ Chính trị và chiếm ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Phan Văn Giang. Nếu kịch bản này xảy ra, thì có thể nói, Đảng Cộng sản trở thành Đảng Tô Lâm.

Nhưng tất cả đang chỉ là chữ “nếu”. Rất nhiều người không mong chữ “nếu” này xảy ra, bởi khi đó, Tô Lâm sẽ nắm trong tay cả Đảng, quân đội và công an. Nghĩa là, ông Tô vừa nắm quyền lãnh đạo tối cao của Đảng, vừa nắm cả 2 thanh kiếm của chế độ trong tay. Đây là một điều chưa từng xảy ra, và khó có tiền lệ, vì lúc đó, Tô Lâm có thể thẳng tay “đồ sát” những kẻ chống đối, và các phe phái khác sẽ gặp nguy hiểm. Thậm chí, có thể ông Phan Văn Giang cũng sẽ “bị thịt”. Do đó, các phe phái khác, nhất là quân đội sẽ không cho phép điều này xảy ra.

Nếu không chặn Tô đoạt ghế Tổng, P. Văn Giang có thể cũng bị “thịt”?

Trần Chương-Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023