Tình trạng các nạn nhân bị đánh chết trong đồn công an, xảy ra thường xuyên, liên tục, là điều hết sức phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn nạn này không được giải quyết và xử lý triệt để, nên vẫn có xu hướng gia tăng.
Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/3 đưa tin, “Một thanh niên tử vong khi làm việc với Công an huyện Long Thành, Đồng Nai”. Bản tin cho biết, vào sáng ngày 22/3, anh Vũ Minh Đức, 31 tuổi, tạm trú phường Tam Phước, thành phố Biên Hoà, đã đến Công an huyện Long Thành để làm việc theo giấy triệu tập, vì có liên quan đến một vụ việc gây rối trật tự công cộng, xảy ra ở xã An Phước vào đầu tháng 10/2023.
Đến chiều cùng ngày, người thân anh Đức đến trụ sở Công an huyện Long Thành để đón anh này về. Tại đây, một cán bộ công an yêu cầu vợ của anh Đức ký một giấy tờ liên quan đến bệnh lý của chồng.
Vợ anh Đức đã khẳng định với công an là, chồng chị không có bệnh gì. Sau khi ký giấy, chị được công an cho biết, anh Đức đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Long Thành, với lý do, trong quá trình điều tra, anh Đức đã “tự nhiên” bị ngất.
Khi đến Bệnh viện Long Thành, gia đình lại được thông báo, đã chuyển anh Đức lên Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ cho người thân của anh Đức biết rằng, anh đã mất lúc 9 giờ 30 phút tối cùng ngày, do bị đa chấn thương.
Người thân của anh Đức đã tường thuật với truyền thông nhà nước, về tình trạng thi thể của anh:
“Có nhìn thấy thi thể và chụp lại mấy tấm hình. Thấy cũng có mấy vết bầm, trên miệng giống như có ộc máu ra vậy đó. Kết luận của bệnh viện là bị đa chấn thương, có những vết bầm trên thân thể.”
Theo báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, trong một số bức hình mà gia đình cung cấp, trên phần cẳng chân trái của nạn nhân có vết thương, khu vực cổ và miệng cũng có vết bầm cùng máu khô, phần phía sau của đùi trái thâm tím. Đến ngày 25/3, gia đình đã nhận xác anh Đức về mai táng.
Nhiều tờ báo cho hay, gia đình anh Đức đã đề nghị Viện Pháp Y Quốc gia, phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai, Công an huyện Long Thành, khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong của anh này.
Mới nhất, ngày 27/3, vẫn báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh đưa tin, Công an tỉnh Đồng Nai đã có quyết định đình chỉ công tác đối với Đại úy Thái Thanh Thương – Đội phó Cảnh sát Điều tra Công an huyện Long Thành, để làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Vũ Minh Đức.
Công luận thấy rằng, tình trạng nghi can chết trong đồn công an hoặc nhà tạm giam, tạm giữ, xảy ra hết sức phổ biến ở Việt Nam, cho dù Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Công ước chống Tra tấn từ năm 2015.
Theo thống kê của các tổ chức bảo vệ nhân quyền, từ năm 2018 đến năm 2021, đã có ít nhất 16 người Việt chết “bất thường” trong đồn công an hoặc trại tạm giam. Trước đó, trong thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3/2015, một đại diện của Bộ Công an báo cáo, trong 3 năm, từ 2011 đến 2014, đã xảy ra 26 vụ chết người trong đồn công an.
Gần đây, ngày 30/8/2023, truyền thông nhà nước cũng đưa tin về việc Thiếu tá Hồ Thanh Hòa – Phó Trưởng Công an xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, vì hành vi “làm chết người trong khi thi hành công vụ”.
Nạn nhân của Thiếu tá Hoà là ông Trần Văn Đảm, 57 tuổi, một người dân địa phương. Sau khi bị mời về trụ sở Công an xã Tân Thành B, ông Đảm đã bị Thiếu tá Hòa đá vào người, khiến ông tử vong.
Theo BBC, nói về những cái chết bất thường của người dân trong đồn công an, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Người dân có quyền nghi ngờ về những cái chết trong đồn công an, mà báo chí hay tường thuật là do nạn nhân tự tử. Một khi kết quả giám định pháp y những vụ này không được công khai và vẫn được xem là “bí mật nhà nước”, thì người dân càng hoài nghi, khi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mình hoặc người thân được mời đến đồn công an.”
Giới chuyên gia khẳng định, Hiến pháp Việt Nam đã ghi nhận, mọi công dân phải được bảo vệ về sức khỏe cũng như nhân phẩm trước pháp luật. Do đó, cơ quan công an phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, nếu để xảy ra tình trạng làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, tạm giam, kể cả được mời hay triệu tập đến làm việc tại cơ quan công an./.
Trà My – Thoibao.de