Ông Nguyễn Phú Trọng không hề xin lỗi khi để hàng loạt cấp dưới sai phạm

Ngày 1/5, RFA Tiếng Việt nêu vấn đề “Vì sao ông Trọng không chịu trách nhiệm người đứng đầu?”

Theo đó, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất chức vì để cấp dưới có những sai phạm, và phải chịu trách nhiệm người đứng đầu. Mới nhất là trường hợp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

RFA nhận xét, trong khi hàng loạt cấp dưới của ông Trọng phải từ chức, bị bắt giam trong liên tục nhiều tháng qua, thì ông Trọng vẫn bình thản (?!). Dư luận không dám bàn “to” nhưng “theo tư duy logic” và cả theo đúng quy định thì ông Trọng, lẽ ra sẽ không thể bình thản như vậy?

RFA dẫn nhận định của một nhà báo ở Việt Nam, cho rằng, tất cả những văn bản do Bộ Chính trị ban hành về việc miễn nhiệm, từ chức và trách nhiệm người đứng đầu, chỉ có giá trị tương đối thôi. Có nghĩa, khi ông Thưởng, ông Huệ hay các ông trước đó tự nguyện từ chức, thì chắc chắn, phải có bằng chứng về những vi phạm của các ông đó, với tư cách người đứng đầu.

Theo nhà báo này, vì việc tự nguyện, nên Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị mới mở ra một con đường thoát cho họ. Vì nếu họ không tự nguyện, mà căn cứ theo những bằng chứng, thì chắc chắn, sẽ phải đưa ra trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng với khoảng 200 con người, thì sẽ rất ê chề.

Riêng với trường hợp Tổng Trọng, nhà báo này nói:

“Ông Trọng hiện nay vẫn không chịu trách nhiệm người đứng đầu, theo tôi, có mấy lý do sau. Tôi tin rằng, không có bằng chứng nào mà ông Trọng bao che, dung túng, thỏa hiệp với các ông kia. Với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thành ra các chức vụ Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội… thì ông Trọng không có quyền quyết định. Nên không thể nói ông Trọng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.”

Ngoài ra, theo nhà báo này, ông Trọng đã già, đặc biệt bệnh rất nặng, đi lại khó khăn… Nếu lôi ông ra buộc từ chức vì trách nhiệm người đứng đầu, thì không có lợi gì cho Đảng, mà nó còn phơi bày ra trước toàn dân và thế giới tính “sát máu” của người Cộng sản.

Nhà báo nói tiếp:

“Nếu họ muốn giải quyết tình trạng mất đoàn kết nội bộ trầm trọng như hiện nay, thì Đảng buộc phải chuyển từ mô hình độc đảng toàn trị, sang mô hình độc tài toàn trị như Trung Quốc. Tức là, Bộ trưởng Công an không nằm trong Bộ Chính trị. Đây là điểm khác biệt và lỗ hổng quá lớn của Việt Nam, khi để ngành công an nói chung trở thành một lực lượng có thể khuynh loát cả thượng tầng kiến trúc của Đảng. Như những gì đã thấy trong vài tháng qua, khiến ai cũng giật mình và bàng hoàng về cái ổn định chính trị của Việt Nam.”

RFA cũng quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Đài từ nước Đức, cho rằng:

“Theo quy định 41, khi những người cấp dưới trực tiếp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì với tư cách là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, hình thức nhẹ nhất là phải từ chức. Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, các Bí thư Tỉnh ủy đều là cấp dưới trực tiếp của ông. Trong thời gian qua, có rất nhiều Bí thư Tỉnh ủy đã bị khởi tố, bắt tạm giam, bị truy tố, bị xét xử về các tội danh liên quan tham nhũng.”

Nhưng đến giờ phút này, chúng ta thấy, trong hơn 10 năm ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, đã có rất nhiều các Bí thư Tỉnh ủy bị kỷ luật, từ các nhiệm kỳ Đại hội lần thứ 11, 12 và  13. Nhưng chưa từng bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng có một lời nào xin lỗi với toàn thể hơn 5 triệu đảng viên, chưa nói đến 100 triệu người dân, ông Trọng hoàn toàn phủi phui trách nhiệm của mình.”

RFA cho biết, Điều 7 của Quy định 41-QĐ/TW ghi rõ: “Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.”

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023