Hiệp một, Tổng Trọng chào thua Hai Nhật. Hiệp Hai, Tổng liệu có quật nổi?

Ngày 20/3/2020, lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, đã tập hợp cả Bộ Chính trị và Ban Bí thư, để xem xét kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015, cùng với ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân. Ban Thường vụ này đã sai phạm nghiêm trọng trong dự án Khu đô thị Thủ Thiêm.

Lúc đó, Bộ Chính trị và Ban Bí thư kết luận, ông Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc của Thành ủy, trực tiếp kết luận nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy. Hình thức kỷ luật đối với ông Lê Thanh Hải là “cắt chức vụ nguyên Bí thư Thành ủy”; và với ông Lê Hoàng Quân là “cắt chức vụ nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố”.

Kỷ luật “cắt chức vụ”, lại thực hiện đối với người không còn chức vụ, thì đúng là trò hề mà chỉ có những bộ óc “siêu việt” của Đảng Cộng sản Việt Nam mới nghĩ ra được. Trên thế giới, không có quốc gia nào lại đi trừng phạt quan tham bằng cách cắt hết các chức vụ trong quá khứ của họ.

Ông Nguyễn Phú Trọng tự nghĩ ra khái niệm kỳ lạ – “chức vụ nguyên lãnh đạo” – để hợp thức hóa cho những trường hợp được ông tha bổng, hoặc ông không thể kỷ luật vì quá “cứng cựa” trên chính trường. Nói thẳng ra, việc cách chức “nguyên bí thư” hay “nguyên chủ tịch” là sự thất bại trong cuộc “đốt lò” của ông, vì không thể đụng đến “đối tượng”.

Ngày 6 và 7/5 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú đứng đầu, đã họp kỳ thứ 41. Nội dung kỳ họp này là thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, xem xét kỷ luật đối với các ông Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thành Phong, do liên quan đến những sai phạm tại vụ án Vạn Thịnh Phát và AIC.

Được biết, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là ông Nguyễn Phú Trọng, Phó ban là ông Tô Lâm. Không rõ, ai trong hai người này đã chỉ đạo ông Trần Cẩm Tú thực hiện việc kỷ luật đối với 3 ông nêu trên.

Kể từ đầu năm đến nay, ông Tô Lâm đã nhiều lần cho đánh úp các quan chức, cả đương nhiệm và mãn nhiệm. Ông không cần thông qua quy trình kỷ luật Đảng nhiêu khê, mà thẳng tay “bắt sống”.

Nhưng lần này, khi đánh Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thành Phong, lại diễn ra bài bản, đúng theo quy trình mà Tổng Trọng đề ra. Vì vậy, nhiều người suy đoán, lần này có thể là sự chỉ đạo của ông Trọng, chứ không phải ông Tô Lâm.

Thông thường, Tô Lâm nhắm vào những nhân vật đương nhiệm, có khả năng cạnh tranh ảnh hưởng chính trị đối với ông và phe cánh Hưng Yên. Còn trong trường hợp này, các ông Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thành Phong, đều là những người đã hết thời, không có khả năng đe dọa đến quyền lực chính trị của phe cánh Hưng Yên. Đây là một lý do khác để nhiều người tin rằng, việc đánh vào nhóm Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thành Phong, là do ông Tổng chỉ đạo.

Nếu vụ việc là do ông Tổng chỉ đạo, thì cơ hội thoát tội của 3 người này cao hơn, so với Tô Lâm chỉ đạo. Bởi nếu Tô Lâm ra tay, thì có thể cho bắt ngay và luôn, có thể bắt công khai hoặc bắt cóc, chứ không cần thủ tục rườm rà.

Hồi năm 2020, Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân đã thoát án, thì khả năng, lúc này, những người này có thể lại thoát án tù một lần nữa.

Dư luận đang rất mong ngóng, chờ xem ông Tổng Bí thư trừng trị thích đáng những ông quan tham một thời này. Đó cũng là áp lực lớn đối với ông Trọng.

Lần trước, ông Trọng đã dùng trò “cách hết các chức vụ nguyên lãnh đạo”, để tha tội cho họ. Không biết, lần này, nếu muốn tha, ông Tổng sẽ cho cắt thêm cái “nguyên” nào nữa?

Hãy chờ xem, ông Tổng sẽ tung ra trò gì với Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thành Phong?

Hoàng Anh – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023