Môi trường làm việc kém và thu nhập thấp là nguyên nhân khiến nhiều công chức rời đi

Ngày 24/5, VOA Tiếng Việt có phóng sự “Công chức xin nghỉ việc nhà nước vì môi trường kém, thu nhập thấp”.

Theo đó, trong năm 2023, cả nước có gần 11.000 cán bộ, công chức và viên chức nghỉ việc để chuyển sang làm việc cho tư nhân và nước ngoài, theo báo cáo của Bộ Nội vụ.

Để có cái nhìn đầy đủ hơn, VOA đã thực hiện một số phỏng vấn với một số cựu cán bộ công chức nhà nước. Trong số đó có anh Nguyễn Văn Dương, một viên chức với gần 20 năm làm việc cho Ủy ban Nhân dân của một thành phố giáp ranh Hà Nội.

VOA dẫn lời anh Dương cho biết, với mức lương theo ngạch chỉ gần 7 triệu đồng/ tháng thì anh không thể nuôi sống bản thân, chứ chưa nói tới chuyện cho 2 cô con gái đi học đại học, dù là ở một thành phố tỉnh lẻ.

Vì thế, cách đây gần 2 năm, anh đã xin nghỉ và chuyển sang làm cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương khoảng 30 triệu đồng/ tháng. Anh nói, đó là quyết định sáng suốt giúp cải thiện thu nhập, đủ lo cho cả gia đình, và với khoảng 20 năm làm việc còn lại, tương lai của anh lúc về hưu cũng được đảm bảo hơn.

VOA cũng dẫn lời chị Nguyễn Hồng Nga, một chuyên viên từng làm việc ở một tổng công ty nhà nước, cho biết, chị đã nghỉ việc nhà nước từ đầu năm và cảm thấy thật sự thoải mái, khi không còn phải thường xuyên đi tiếp khách và phục vụ lãnh đạo sau giờ làm việc, đến mức hoàn toàn không có thời gian cho bản thân và gia đình.

Cũng theo chị Nga, từ ngày ra ngoài làm cho tư nhân, chị đã thay đổi hẳn so với hơn 10 năm làm trong doanh nghiệp nhà nước, chỉ biết cạnh tranh với đồng nghiệp và làm vừa lòng cấp trên.

Trong một cuộc phỏng vấn khác của VOA với anh Nguyễn Thành Trung, một viên chức có thâm niên trên 20 năm tại một doanh nghiệp quốc doanh, anh phản bác quan điểm “làm nhà nước là nhàn”, vì theo anh, nhàn cũng đồng nghĩa với thu nhập thấp, và “nhàn” không đồng nghĩa với thoải mái.

Anh Trung cho biết thêm, may là gia đình anh cũng không phải quá lo chuyện “cơm áo gạo tiền”, nên anh vẫn có thể trụ lại môi trường nhà nước với mức thu nhập chỉ trên dưới 7 triệu đồng/ tháng.

Anh Trung chia sẻ, “Không đi trước thì cũng đi sau thôi mà, làm sao có thể tồn tại với cái kiểu đấy được. Tính mình làm sao nhẫn nhịn được, tính mình nó nóng thích là mình quặc lại ngay, làm sao mà mình chấp nhận mãi môi trường nhà nước luồn cúi được.”

Bài viết của VOA cho hay, đời sống không ít cán bộ, công chức, viên chức đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoàn cảnh suy giảm chung của nền kinh tế suốt từ đại dịch Covid đến nay.

VOA dẫn lời anh Nguyễn Thành Nam, một phóng viên làm việc cho một đơn vị truyền hình lớn ở Hà Nội, cho biết, thu nhập của anh đã giảm nhanh chóng trong hơn 2 năm qua. Đầu tiên là nơi anh công tác cắt đi phần lương cơ bản mà chỉ trả lương theo sản phẩm, và thời gian gần đây nhuận bút cho một sản phẩm phóng sự ngắn cũng bị cắt giảm.

Anh Nam cho biết, sớm muộn gì anh cũng phải tìm việc khác. Anh nói, với mức thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/ tháng, hiện nay anh và gia đình khó sống nổi ở Hà Nội.

Bài viết của VOA nhắc đến việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, được báo chí nhà nước dẫn lời, cho biết, Bộ đã tiến hành thực hiện cải cách chính sách tiền lương để thực hiện từ ngày 1/7. Bộ Nội vụ nói, để đảm bảo cán bộ, công chức nhà nước đủ xoay sở cuộc sống, Bộ đang xin mức lương ít nhất là khoảng trên 5 triệu đồng/ tháng, nhưng phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị trước khi có thể trở thành hiện thực.

Đồng thời, Bộ Nội Vụ đang xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và tăng cường thanh tra công chức cũng như xử lý nghiêm sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ – công viên chức, vẫn theo bà Trà.

 

Xuân Hưng – thoibao.de