Liệu Tô Chủ tịch và Bộ Công an có để cho Lê Minh Hưng được yên?

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Trung ương 9 khóa 13, bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nhân vật số 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã chủ động xin thôi chức, trước những cáo buộc liên quan đến tham nhũng.

Sau khi bà Mai từ chức, số lượng uỷ viên Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn lại 12 người, so với con số 18 sau Đại hội 13 vào đầu năm 2021. Đây là sự khủng hoảng nhân sự cấp cao lớn nhất trong lịch sử 94 năm hoạt động của Đảng. Tổng Trọng trên tư cách Trưởng Tiểu ban Nhân sự các kỳ Đại hội Đảng, là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 4/6 ghế uỷ viên Bộ Chính trị khóa 13 còn đang bỏ trống, bao gồm: ông Lê Minh Hưng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ông Đỗ Văn Chiến và bà Bùi Thị Minh Hoài.

Theo BBC, ngoài việc được bầu vào Bộ Chính trị – nhóm những nhân vật quyền lực nhất, ông Lê Minh Hưng đã được cử thay bà Trương Thị Mai đảm nhiệm chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ông Hưng, 54 tuổi, quê Hà Tĩnh, là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 12, 13; đồng thời là Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Trước khi vào Bộ Chính trị, ông Hưng là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, một nhân vật thân cận với Tổng Trọng, và là thành viên Ban Bí thư. Được biết, ông Lê Minh Hưng từng có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020.

Đáng chú ý, khi vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) được đưa ra xét xử sơ thẩm, công luận đã có những câu hỏi, về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Thống đốc Lê Minh Hưng. Bởi giai đoạn ông Hưng làm Thống đôc, chính là giai đoạn xảy ra những sai phạm nghiêm trọng của bà Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan là vụ án tham nhũng – lũng đoạn nhà nước lớn chưa từng thấy, đã gây ra các hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Trước khi tòa tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát, một nhà quan sát chính trị từ Việt Nam đã nói với BBC rằng: “Tôi nghĩ ông Lê Minh Hưng nên có trách nhiệm, vì đã không ngăn chặn được vấn đề, dù không phải là người mở màn cho sai phạm, nhưng tôi chắc rằng, ông ấy phải nhận thấy vấn đề và lẽ ra đã phải ngăn chặn nó.

Theo báo Tuổi Trẻ, bị cáo Đỗ Thị Nhàn do nhận khoản tiền 5,2 triệu USD, sau đó đã “hướng dẫn” Ban lãnh đạo Ngân hàng SCB xóa dấu vết về các sai phạm trong cho vay, và đã bỏ qua không xử lý nhiều sai phạm của Ngân hàng này. Theo giới quan sát, với số tiền 5,2 triệu USD nhận hối lộ, không chỉ một mình bà Nhàn hưởng, mà chắc chắn, bà phải chia chác cho nhiều người khác, kể cả lãnh đạo cấp cao nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đó là lý do vì sao, sau khi phiên Tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, với bản án tử hình cho bà “trùm”, mạng xã hội đã có nhiều ý kiến cho rằng: Ông Lê Minh Hưng đã “nóng đít” và Tổng Trọng không yên”, hay Tổng Trọng sẵn sàng mất trăm triệu tỷ do Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, để cứu Lê Minh Hưng”

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, vào tháng 10/2023, đương kim Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ – nguyên Tổng Giám đốc Vietinbank, bị xử lý kỷ luật, với cáo buộc có 3.000 tỷ tiền gửi trong ngân hàng, kể cả cổ phiếu đầu tư, thì tổng tài sản lên đến 4.000 tỷ. Nguồn tin hành lang còn tiết lộ, Lê Đức Thọ phân bua rằng, ông ta bị các đồng chí trong Đảng đánh hội đồng. Ông làm sao giàu bằng Lê Minh Hưng, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện là Chánh Văn phòng Trung ương – một nhân vật thân tín và là “tay hòm chìa khóa” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ đầu, việc Bộ Chính trị thống nhất cho dừng điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát lên cấp cao hơn, theo yêu cầu của Tổng Trọng, với mục đích cứu Lê Minh Hưng – một nhân vật được ông Trọng tin tưởng nhất mực.

Trong giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát, Cục Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan.

Do đó, nếu Chủ tịch nước Tô Lâm vẫn bí mật điều hành Bộ Công an và các chân rết của mình, thì có lẽ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, cũng khó có thể được an toàn./.

 

Trà My – Thoibao.de