Tô Chủ tịch và quan hệ ngoại giao

Sáng 22/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam – chấm dứt 2 tháng chức danh này bị bỏ trống.

Được biết, Tô Chủ tịch, sinh năm 1957, có học hàm Giáo sư Khoa học An ninh, học vị Tiến sĩ Luật, và bằng Cao cấp lý luận chính trị. Vị tân Chủ tịch này được đào tạo và làm việc trong môi trường an ninh, công an.

Điều này khiến cho Giáo sư Zachary Abuza, từ Hoa Kỳ, thắc mắc: Một công an chuyên nghiệp sẽ định hình/hoạch định các chính sách và nhân sự của Đảng như thế nào?

Có lẽ, vị Giáo sư này lo xa quá, bởi ở Việt Nam, Đảng là “đỉnh cao trí tuệ”, quy luật kinh tế thị trường gì gì đó, thì cũng đã có nghị quyết của Đảng quyết định. Ngài Tô chỉ việc lôi mớ lý luận chính trị cao cấp của ngài ra, là ứng phó được hết.

Có thể, Tô Chủ tịch của chúng ta sẽ gặp một vài phiền phức, bởi ngài chỉ quen ra lệnh, quen đánh đấm. Nay phải diện comple, cà vạt, phải thực hành nghi lễ quốc gia… quả là làm khó ngài.

Theo Điều 70 và Điều 88 Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước có vai trò khá quan trọng trong tiếp kiến ngoại giao, như tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; quyết định việc đàm phán, gia nhập, ký, hoặc chấm dứt hiệu lực các điều ước quốc tế…

Có thể, điều này sẽ mang lại cho Tô Chủ tịch của chúng ta một vài rắc rối. Bởi không chỉ quen ăn sóng nói gió, cứ nhìn cách ngài há mồm “đớp” miếng bò dát vàng là biết, mà ngài còn vướng vào một số vấn đề pháp lý ở châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

Ngay ngày Tô Chủ tịch nhậm chức, báo chí Đức và Slovakia đã nhắc đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trung tâm thủ đô Berlin của Liên bang Đức, do ngài trực tiếp chỉ đạo. Báo Slovakia còn nhắc đến vụ ngài lừa Chính phủ của họ để mượn phi cơ, đưa nạn nhân vụ bắt cóc ra khỏi vùng Schengen.

Dường như, bọn tư bản chẳng thèm nể mặt Tô Chủ tịch của chúng ta. Thậm chí, Slovakia vẫn treo lơ lửng án tù trên đầu ngài. Báo chí quốc tế còn nêu giả thiết: Cảnh sát Slovakia có bắt giữ ngài không, nếu ngài, trên cương vị nguyên thủ quốc gia đến thăm Slovakia?

Có lẽ, không chỉ riêng Slovakia, mà Liên hiệp châu Âu sẽ tiếp đãi ngài như thế nào, khi một quốc gia thành viên của họ đã kết án tù đối với ngài?

Nguyên thủ một quốc gia, lại bị một quốc gia khác kết án tù, thì quả là bỉ bôi! Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến câu Kiều mà cụ Tổng từng lẩy:

Nghĩ mình phương diện quốc gia,

Quan trên nhắm xuống người ta trông vào.

Có thể thấy, việc Tô Đại tướng, với bề dày “thành tích” bất hảo, như: 3 vụ bắt cóc xuyên quốc gia; tấn công dân thôn Hoành lúc nửa đêm, bắn chết cụ già Lê Đình Kình; cùng với việc bắt giữ hàng trăm nhà báo, nhà hoạt động… nay lại trở thành Tô Chủ tịch, đã khiến giới chức phương Tây ngán ngẩm. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá, hình ảnh Tô Chủ tịch sẽ chỉ củng cố thêm ấn tượng về “nhà nước công an trị” của Việt Nam.

Nói huỵch toẹt là, trong mắt quốc tế, ngài Tô đầy uy quyền của chúng ta chính là một tên tội phạm. Như vậy, với nền tảng dân chủ và pháp quyền, phương Tây làm sao có thể làm việc với kẻ tội phạm này?

Dẫu biết, như giới quan sát chính trị đánh giá, Đảng đang ở thế kẹt, bởi sự “nổi loạn” của ngài Tô đã khiến Bộ Chính trị không thể làm gì khác, ngoài việc “đẩy” ngài trở thành nguyên thủ quốc gia, để vô hiệu hoá ngài.

Nhưng, ôi! Nguyên thủ Việt Nam lại rẻ rúng như vậy sao?

Nhìn vào danh sách các nước đã gửi điện chúc mừng tân Chủ tịch của chúng ta mà báo chí loan tải, thì thấy, đa số đều là các quốc gia độc tài hoặc bán độc tài, như: Lào; Trung Quốc; Campuchia; Nga; Brunei; Tiểu vương quốc Ả Rập; Palestine; Sri Lanka; Triều Tiên; Cuba; Venezuela; Mông Cổ; Kuwait; Ấn Độ… Không hoặc chưa thấy các quốc gia dân chủ có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam, như Mỹ, Nhật, Úc, Hàn.

Hiện vẫn chưa rõ các mối bang giao quốc tế sẽ ảnh hưởng như thế nào từ vai trò của Tô Chủ tịch. Nhưng chỉ riêng việc các tổ chức nhân quyền từng liên tục tố cáo những hành vi vi phạm nhân quyền của Tô Đại tướng trong quá khứ, cùng với vướng mắc pháp lý của ngài với Đức và Slovakia, đã là một trở ngại lớn trong quan hệ ngoại giao thời gian tới đây.

 

Chúc Anh – thoibao.de