Tổng Trọng vừa ngã xuống, một “bạo chúa” trồi lên. Ông có công hay tội?

Tổng Trọng đã không thể đi hết nhiệm kỳ thứ 3 của ông. Cái chết của ông chắc chắn đã và sẽ tốn rất nhiều giấy mực của giới phân tích chính trị trong và ngoài nước. Nhiều người thừa nhận, ông là “người đặc biệt”. Tuy nhiên, cái sự “đặc biệt” đó có phải là giỏi giang xuất sắc hay không, thì vẫn còn đang gây tranh cãi chưa có hồi kết. Phía chính quyền chắc chắn đã và sẽ ca tụng công lao của ông lên mây. Nhưng phía những ngòi bút phê bình, thì cũng có người khen kẻ chê.

Thời của ông đã kết thúc, người kế thừa sẽ trở thành nhân vật chính trên chính trường Việt Nam, vào thời gian tới. Tổng Trọng đã nhắm mắt, nhưng “lò” ông dựng lên vẫn còn đó, vẫn đang cháy như chưa bao giờ vắng chủ. Nhưng cái “lò” nổi tiếng do ông dựng lên ấy, giờ đây cháy vì mục đích gì?

Thực ra, cái lò này đã đổi chủ từ đầu năm 2024. Trong suốt 8 năm ông “đốt lò”, những đồ đệ của ông, như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai… vẫn an toàn, cho tới khi “lò” đổi chủ, khiến họ bị lửa lò táp.

Trước đây, những người trong Ban Bí thư của ông được ẩn nấp an toàn, thì nay, họ phải đối phó với “lửa lò” đang bén đến cửa nhà họ. Rồi đây, sẽ còn những nhân vật từng được ông Trọng nâng đỡ bị quẳng vào “lò”. Và “lò” sẽ đốt luôn cả căn nhà mà ông dày công xây dựng.

Ông nhiệt tình đốt lò, nhưng 6 tháng cuối đời của ông lại không thể kiểm soát được hệ thống do ông tạo ra. Việc Tô Lâm nổi lên như một nhân vật quyền lực mới trong Đảng, cũng bởi chiến dịch đốt lò của ông. Để củng cố quyền lực, ông đã ưu ái quá nhiều cho một kẻ tàn bạo, tham vọng, và bất chấp thủ đoạn. Để rồi giờ đây, sau khi ông chết đi, ông đã để lại một di sản tệ hại cho đất nước này.

Tô Lâm đã gom hết quyền lực của ông, ngay sau khi ông nhắm mắt. Kế thừa vị trí này, Tô Lâm sẽ bất chấp hơn, sẽ tàn bạo hơn ông Trọng rất nhiều. Dưới thời ông Trọng, tuy cũng là Công an trị, nhưng mức độ hà khắc sẽ không nặng nề như thời gian sắp tới. Lúc trước, Tô Lâm muốn chà đạp lên luật pháp, còn phải đợi ông Trọng bật đèn xanh. Còn giờ đây, Tô Lâm vừa là người thực thi quyền lực, vừa là người điều khiển đèn hiệu. Tô Lâm sẽ chẳng xem Đảng luật và pháp luật ra gì nữa.

Nhiều người đánh giá, dưới thời Tô Lâm, chế độ này sẽ trở thành độc tài 2 trong 1, vừa độc tài toàn trị, vừa độc tài cá nhân. Chế độ Công an trị sẽ được áp dụng, không những cho toàn dân, mà còn cho toàn Đảng.

Ông Trọng chết khi còn đang tại chức, đây là một tiền lệ không mấy tốt đẹp. Bởi chính ông đã đạp lên Đảng luật, để ưu ái cho bản thân mình ngồi ghế Tổng Bí thư suốt đời, thì liệu, Tô Lâm có chịu tự nguyện rời ghế khi không còn đáp ứng điều kiện Đảng luật hay không?

Tô Lâm đã lợi dụng câu nói “chống tham nhũng không có vùng cấm” của Tổng Trọng, để đốn sạch những đồ đệ mà ông Trọng nâng đỡ. Vậy thì, khi Tô Lâm chính thức ngồi vào ghế Tổng Bí thư, sao Tô Lâm không tận dụng “tấm gương ngồi ghế suốt đời” của ông Trọng ra, để biện hộ cho tham vọng của ông?

Một Đảng Cộng sản đánh nhau loạn xạ, thì tất yếu, đầu tư nước ngoài sẽ tháo chạy. Không cần phải đợi đến khi ông Trọng mất thì họ mới tháo chạy. Mà họ đã rục rịch tháo chạy, ngay từ khi Tô Lâm “tạo phản”. Những doanh nghiệp nước ngoài lớn nhỏ, cứ lần lượt cuốn gói ra đi. Không một nhà đầu tư nào cảm thấy an tâm với một bộ máy cầm quyền không tôn trọng pháp luật. Việc đầu tư vào những nơi này rất rủi ro.

Trò chơi cũ đã kết thúc, ván cờ mới được bày ra.

Ván cờ mới này sẽ khó khăn hơn, khốc liệt hơn. Chính vì thế, ván cờ mới này sẽ bào mòn nguyên khí quốc gia kinh khủng hơn, bởi một lẽ đơn giản, các phe đều phải lo tính chuyện tấn công và đỡ đòn, chẳng ai còn sức lực hay trí lực để lo cho những vấn đề quốc gia đại sự.

Thời Tô Lâm, tiền đồ của Việt Nam sẽ tối như đêm 30.

 

Thái Hà – Thoibao.de