Vì sao Tô Chủ tịch nên chấm dứt công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng?

Chủ tịch nước Tô Lâm – người đang nắm quyền điều hành Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cương vị Tổng Bí thư, từng là công cụ trong công cuộc đốt lò của ông Trọng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, khác với Tổng Trọng, một khi trở thành Tổng Bí thư chính thức của Đảng, ông Tô Lâm sẽ là một lãnh đạo “thực dụng” hơn, và có nhiều thay đổi so với ông Trọng.

Với xuất thân từ ngành Công an, được đào tạo có hệ thống, Tô Chủ tịch hiểu được cách duy trì tính chính danh cho Đảng. Quan trọng hơn, người ta hy vọng, ông Tô Lâm sẽ coi trọng sự phát triển kinh tế, đảm bảo sự hài hòa giữa kinh tế và chính trị, trong một thể chế công an trị.

Chủ tịch Tô Lâm không muốn bị xem là một cái bóng của Tổng Trọng, và muốn xây dựng cho mình hình ảnh của một lãnh tụ độc tài.

Với một thể chế thiếu sự minh bạch và cơ chế giám sát, cũng vắng bóng sự điều chỉnh quyền lực như ở Việt Nam hiện nay, công cuộc “đốt lò”, chống tham nhũng, dù là dưới thời Tổng Trọng trước đây, hay Chủ tịch Tô Lâm hiện nay, thất bại là điều chắc chắn.

Mọi cá nhân trong bộ máy Đảng và nhà nước, từ cán bộ lãnh đạo đến các công chức viên chức, chắc chắn sẽ không thể tồn tại bằng đồng lương “chết đói”, không đủ để nuôi bản thân và gia đình. Cho nên, họ phải tham nhũng, phải vòi vĩnh, thậm chí là ăn cắp, để duy trì cuộc sống. Vì một lẽ tự nhiên của con người “đói thì đầu gối phải bò”.

Lãnh đạo Đảng hiểu rất rõ điều này, nhưng họ vẫn cương quyết không thay đổi. Vì mục đích của họ là muốn biến tất cả những người ăn lương nhà nước, trở thành những con tin. Đồng thời, họ muốn gắn chặt sự tồn tại của mỗi cá nhân trong hệ thống với sự tồn vong của Đảng. Bất kể việc ăn cắp, đục khoét bao nhiêu tiền bạc của nhà nước, thì đều “đen thì phải chịu, còn đỏ thì quên đi”.

Trước năm 1990, có rất ít vụ tham nhũng lớn, và số tiền tham nhũng chỉ là vài trăm triệu đồng. Nhưng sau 8 năm “đốt lò” của Tổng Trọng, con số thất thoát do tham nhũng đã lên hàng ngàn tỷ đồng. Chắc chắn, tham nhũng sẽ không mất đi, mà chỉ chuyển đổi từ hình thức này sang hình thức khác.

Kết quả của công cuộc “đốt lò” và đấu đá tranh giành quyền lực, là đến tháng 5/2024, các nhà đầu tư ngoại đã bán tháo cổ phiếu đang nắm giữ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương đương gần 2 tỷ USD. Trong đó, lượng bán ra nhiều nhất được ghi nhận trong những tuần biến động chính trị lớn đầu năm 2024.

Việt Nam cũng đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong 3 năm vừa qua, và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa, do những trì trệ của bộ máy của Chính phủ.

Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam trong những năm gần đây, hết sức trì trệ, với tỷ lệ rất thấp, do các quan chức e ngại bị biến thành “củi”, sợ dính líu tới các cáo buộc tham nhũng.

Điều đó đã kìm hãm sự tăng trưởng GDP của Việt Nam, cũng như giảm bớt tính năng động của từng địa phương, từng cá nhân trong bộ máy nhà nước. Đây là những thiệt hại không thể đo lường bằng những con số cụ thể.

Hơn thế nữa, chắc chắn, chiến dịch “đốt lò” mà ông Trọng khởi xướng, sẽ không bao kết thúc. Vì chống tham nhũng chỉ là công cụ thanh trừng và loại bỏ đối thủ chính trị, vẫn là biện pháp cần thiết khi ông Tô Lâm chưa nắm quyền tuyệt đối trong Đảng.

Với khả năng trước mắt, Chủ tịch Tô Lâm sẽ “nhất thể hóa” 2 chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, sẽ tạo tiền đề để ông trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước tại Đại hội 14.

Ông Tô Lâm từ chỗ không có tên trong danh sách ứng viên cho chức vụ Tổng Bí thư, chỉ trong một thời gian ngắn, đã trở thành nhân vật số 1 trong Đảng.

Công luận hy vọng, trên cương vị Tổng Bí thư sau Đại hội 14, Tô Lâm sẽ đứng trước cơ hội lịch sử, để xúc tiến công cuộc “cải cách thể chế”, dẫu rằng, đây là một hy vọng hết sức mong manh.

 

Trà My – Thoibao.de